1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Giám đốc BV Phú Lương nói về những cái chết “bất thường”

(Dân trí) - Trường hợp sản phụ Tư tử vong, ông Dương Văn Thanh, Giám đốc BV Phú Lương, cho rằng đây là trường hợp ông "chưa từng gặp bao giờ". Còn em Thắng đau ruột thừa lại được chẩn đoán đau bụng giun thì ông Thanh lý giải là vì phải chờ theo dõi.

Trong suốt buổi làm việc với PV Dân trí về những cái chết được coi là "bất thường" xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Phú Lương, ông Dương Văn Thanh, Giám đốc bệnh viện đưa ra nhiều lý lẽ biện minh.

Bác sỹ X-quang nhận ca... đỡ đẻ

Về cái chết gần đây nhất của sản phụ Quách Thị Tư và con gái vừa chào đời Vũ Thị Bé, ông Thanh cho rằng kíp trực hôm đó đã làm hết trách nhiệm, cố gắng hết sức cấp cứu hai mẹ con. Song đây là trường hợp đặc biệt, chính ông cũng chưa từng gặp bao giờ nên khó xử lý!

Ông Thanh cho biết, khi nhập viện sản phụ hoàn toàn bình thường. Cho đến khi lên bàn sinh vẫn không hề có vấn đề gì xảy ra và cho rằng đây là một ca sinh bình thường nếu không có những điều “không may” sau đó. Khi phóng viên đề cập tới việc khi nhập viện, sản phụ Tư có biểu hiện sốt cao thì ông Thanh lại cho rằng đó là biểu hiện “không bình thường”, các bác sỹ đã theo dõi suốt đêm và đã cho uống thuốc hạ sốt!
 
Giám đốc BV Phú Lương nói về những cái chết “bất thường” - 1
Tú vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của vợ và con gái

Thông tin từ phía gia đình sản phụ Tư, khi sản phụ có biểu hiện sốt cao và tỏ ra rất đau đớn, gia đình đã nhiều lần xin bác sỹ Bùi Trung Hải (bác sỹ nhận ca sinh này) cho chuyển viện lên tuyến trên nhưng đều bị bác sĩ gạt đi. Thậm chí nhiều lần bác sĩ Hải còn cáu gắt, quát mắng: “Các bà biết gì về chuyên môn mà nói”, hay nói với bố đẻ của sản phụ Tư: “Nếu có vấn đề gì thì tôi chịu trách nhiệm”.

Giải thích vấn đề này, ông Thanh khẳng định, nếu gia đình bệnh nhân xin chuyển lên tuyến trên thì bệnh viện không bao giờ giữ. “Tuy nhiên, hôm đó tôi không trực nên không thể khẳng định được là người nhà sản phụ Tư có xin hay không. Nhưng theo bản tường trình của bác sĩ Hải thì suốt đêm đó, gia đình họ (sản phụ Tư) không hề xin chuyển viện. Chỉ đến khi gần sinh thì gia đình mới có ý kiến xin lên tuyến trên” - ông Thanh cho biết thêm.

Kíp trực ca sinh của sản phụ hôm đó gồm có bác sĩ Bùi Trung Hải, nữ hộ sinh Liêu Thị Thảo và cử nhân điều dưỡng Nguyễn Phú Thuyển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bác sĩ Hải là bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về chẩn đoán hình ảnh chứ không phải bác sĩ chuyên khoa sản. Không hiểu vì lý do gì mà vị Trưởng khoa Cận lâm sàng Bùi Trung Hải lại được nhận ca sinh này.

Ông Thanh giải thích rằng: “Nói về quy chế, quy định thì bác sĩ Hải tham gia trực ngoại sản là không sai. Bác sĩ Hải là bác sĩ đa khoa, đã được học về tất cả các chuyên khoa ở trong trường rồi”. Hơn nữa, theo ông Thanh, do ở bệnh viện tuyến huyện rất thiếu y bác sỹ nên một bác sỹ phải trực tất cả các khoa!

Còn về cái chết của đứa con sản phụ Tư, ông Thanh nói em bé đã chết, lại không giám định pháp y nên không thể kết luận nguyên nhân cái chết là do BV Phú Lương được!

Đau ruột thừa được tiêm thuốc giảm đau để... theo dõi

Trường hợp của cháu Nguyễn Mạnh Thắng (5 tuổi) chết do đau ruột thừa cuối năm 2008 đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân. Gia đình cũng như cả tiểu khu Cầu Trắng (thị trấn Đu) thì vẫn rất bức xúc trước thái độ tắc trách và sự thiếu chuyên môn của các y bác sỹ BV Phú Lương.

Theo chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ cháu Thắng kể lại thì sau khi chị đưa cháu vào BV Phú Lương khám do cháu đau bụng quằn quại, các y bác sỹ ở đây đã khám và chẩn đoán là Viêm Amydal cấp, theo dõi đau bụng do giun. Chị Hiền cho biết, thăm khám xong, các bác sỹ đã tiêm cho cháu một mũi thuốc giảm đau chứ không để theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân để chẩn doán bệnh chính xác hơn.
 
Giám đốc BV Phú Lương nói về những cái chết “bất thường” - 2
Chị Hiền bức xúc kể lại cái chết oan uổng của con mình.

Được tiêm thuốc giảm đau, Thắng ngủ thiếp đi đến một lúc lâu rồi tỉnh dậy, vẫn đau đớn quằn quại. Mất bao thời gian, chị Hiền mới xin được cho con chuyển viện. Khi Thắng được chuyển lên tuyến trên thì đã trong tình trạng nguy kịch, may mắn được cứu sống lúc đó nhưng chỉ vài ngày cháu đã qua đời do vỡ ruột thừa và bị hoại tử.

Theo lý giải của ông Thanh trong một văn bản trả lời các cơ quan chức năng và báo chí thì “khi chuyển lên tuyến trên, theo chẩn đoán thì ruột thừa vẫn chưa vỡ, tuyến trên tiếp tục theo dõi khoảng thời gian 5 giờ 30 phút sau mới mổ. Trẻ tử vong là do cơn hen phế quản ác tính, nhiễm trùng nhiễm độc nặng”.

Tuy nhiên, theo chẩn đoán ban đầu của BV Đa khoa TW Thái Nguyên, khi được chuyển đến viện, cháu Thắng bị viêm ruột thừa cấp tới giờ thứ 12. Siêu âm ruột thừa cho kết quả hình ảnh viêm ruột thừa giai đoạn hoại tử. Căn cứ vào đó có thể thấy, cháu Thắng đã bị đau ruột thừa song các bác sỹ ở BV Phú Lương lại không phát hiện ra bệnh mà chỉ chẩn đoán là viêm Amydal cấp và theo dõi đau bụng do giun.

Ông Thanh cũng không đưa ra một lời bình luận nào về việc các bác sỹ tiêm thuốc giảm đau khi cháu có biểu hiện đau bụng mà không để theo dõi tiếp. Nhiều nguồn tin cho hay, hầu hết các bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng vào BV Phú Lương đều được tiêm thuốc giảm đau tương tự như trường hợp cháu Thắng.

Những cái chết xót xa như Dân trí đã nêu đang làm xôn xao dư luận Thái Nguyên nói chung và người dân Phú Lương nói riêng. Không chỉ gia đình các nạn nhân mà tất cả những người dân khu vực này và rất nhiều bạn đọc đang “ngóng” câu trả lời thỏa đáng của các cơ quan chức năng về các vụ việc trên.

Tiến Nguyên - Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm