1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân chuyên gia Nhật mắc Covid-19 đột tử

Quang Phong

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, lực lượng chức năng đã giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân đột tử của chuyên gia Nhật Bản mắc Covid-19 vào ngày 14/2.

Chiều ngày 17/2, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, chiều ngày 16/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn. Bí thư Vương Đình Huệ đã đến thị sát khách sạn Somerset West Point (Tây Hồ) - nơi ghi nhận chuyên gia Nhật Bản bị đột tử và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

"Trong ngày hôm nay lực lương chức năng đã giải phẫu tử thi chuyên gia Nhật Bản để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong", ông Nguyễn Đình Khuyến cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của chuyên gia Nhật Bản.

Giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân chuyên gia Nhật mắc Covid-19 đột tử - 1

Lực lượng chức năng phong tỏa khách sạn Somerset ngay khi phát hiện chuyên gia Nhật Bản tử vong

Phát biểu kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đến nay lực lượng chức năng chưa xác định được nguyên nhân tử vong của chuyên gia Nhật Bản, mà mới chỉ rõ lịch sử dịch tễ của bệnh nhân này.

Trước đó, ngày 14/2, lực lượng chức năng đã phong tỏa khách sạn Somerset West Point sau khi phát hiện chuyên gia Nhật Bản đột tử và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/1, được cách ly tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian cách ly, người này 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 theo mẫu xét nghiệm ngày 17/1 và 31/1.

Tại TP Hồ Chí Minh, chuyên gia Nhật Bản này cách ly cùng 34 người trong khách sạn, trong 14 ngày cách ly không tiếp xúc bên ngoài. Sau thời gian cách ly, người đàn ông này di chuyển bằng máy bay ra Hà Nội và ở tại khách sạn Somerset West Point.

Bộ Y tế đưa ra 2 giả thiết chuyên gia Nhật Bản có thể lây nhiễm SARS-CoV-2. Giả thiết thứ nhất là bệnh nhân người Nhật này mới lây nhiễm trong khu vực Hà Nội. Bởi theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, nồng độ virus của trường hợp này ở mức độ khá cao. Vì vậy, chuyên gia này không lây nhiễm ở khu vực cách ly. Bộ Y tế nhận định, trường hợp này có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải F0.

Giả thiết thứ 2 là chuyên gia Nhật Bản lây nhiễm tại cơ sở cách ly và đi ra ngoài, có thể xảy ra nhưng ở mức độ rất thấp, bởi 34 người cách ly cùng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Thêm vào đó, tỷ lệ bệnh nhân dương tính sau 14 ngày ghi nhận trên thế giới không nhiều.

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, qua xét nghiệm bệnh nhân 2.229 và 2 bệnh nhân 2.234, 2.240 (đều là F1 của bệnh nhân 2.229) cho thấy, bệnh nhân 2.229 có nồng độ virus cao nhất. Như vậy, các chuyên gia dịch tễ của Hà Nội nhận định, nguồn lây là từ bệnh nhân 2.229 sang 2 bệnh nhân kia (nồng độ virus thấp hơn cho thấy thời gian lây nhiễm ít hơn).

Theo ông Hiền, 3 bệnh nhân trên chỉ tiếp xúc với nhau vào ngày 2/2, sau khi bệnh nhân 2.229 trở về Hà Nội vào ngày 1/2. Do đó, lãnh đạo ngành y tế Hà Nội nhận định, về logic, rất ít có khả năng ông này nhiễm Covid-19 từ Hà Nội vào ngày 1/2 rồi lây cho 2 người khác ngày 2/2.

Ông Hiền cũng cho biết, Công ty Mitsui (nơi chuyên gia Nhật Bản đột tử làm việc) có một người đến TP Chí Linh (Hải Dương) ngày 13/1, đã lấy mẫu và gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm thì kết quả là không có cả kháng thể lẫn kháng nguyên, tức là người này chưa từng nhiễm bệnh. Vì vậy, Sở Y tế TP nhận định là ít có khả năng bệnh nhân 2.229 lây bệnh từ Hà Nội và vẫn phải chờ kết quả giải trình tự gene mới biết chính xác.