Giải pháp xác định danh tính cho liệt sĩ vô danh
Bằng phương pháp giám định gien, Viện Công nghệ sinh học đã giúp miễn phí cho 36 gia đình nhận đúng hài cốt con em mình - những bộ hài cốt mà trước đó được xem là liệt sĩ vô danh, hoặc có tên mà không rõ nguồn gốc...
TS Lê Quang Huấn – Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật thuộc Viện Công nghệ sinh (CNSH) cho biết:
Mọi chuyện bắt đầu từ chương trình “Người đương thời” trên truyền hình vào cuối năm 2002, đầu năm 2003. Trong chương trình đó, chị Nguyễn Thị Tiến (Bảo tàng Quân khu IV) đã nói về trường hợp của liệt sĩ Trần V. Bảo. Liệt sĩ Bảo được Bảo tàng Quân khu IV quy tập về một nghĩa trang ở Hà Tĩnh từ chiến trường Lào.
Khi khai quật thi hài, nhóm quy tập tìm được một miếng nhôm ghi chữ “Trần V. Bảo” chôn cùng thi hài. Sau khi thông tin này được thông báo, có rất nhiều gia đình tìm đến nhận đây là thân nhân của mình. Sau khi sàng lọc các thông tin liên quan vẫn còn tới 4 gia đình có nhiều khả năng được xem là người nhà của liệt sĩ...
Ngay sau buổi truyền hình, tôi đã gọi điện cho chị Tiến để tìm hiểu rõ hơn những chuyện liên quan, đồng thời khẳng định có thể dùng phương pháp giám định gien của các mẫu ADN từ hài cốt của liệt sĩ Trần V. Bảo và người thân của 4 gia đình kia để xác định chính xác được liệt sĩ Bảo “thuộc về” gia đình nào...
Công việc đó đã được thực hiện sau bao lâu và cho kết quả như thế nào, thưa tiến sĩ?
Với sự giúp đỡ của Bảo tàng Quân khu IV và bên Pháp y quân đội, chỉ khoảng 2 tháng sau thì chúng tôi có được mẫu ADN của liệt sĩ Trần V. Bảo và tiến hành việc phân tích, giám định. Tiếp đó là đối chiếu với mẫu ADN của những người bên họ ngoại 4 gia đình. Kết quả cuối cùng, xác định được liệt sĩ Trần V. Bảo là bố của chị Trần Thị Thanh ở Sóc Sơn, Hà Nội với tên chính xác là Trần Văn Bảo.
Từ đó đến nay, Viện CNSH đã tiến hành phân tích giám định bao nhiêu bộ hài cốt liệt sĩ?
|
TS Lê Quang Huấn |
Chi phí để thực hiện phân tích giám định gien của mỗi mẫu hài cốt là bao nhiêu?
Chi phí thực hiện mỗi trường hợp như vậy là từ 5 đến 7 triệu đồng. Tất cả các trường hợp trên, chúng tôi đều sử dụng nguồn kinh phí của Viện CNSH, hoặc do Viện KH-CN đài thọ, chứ không thu một đồng nào của những thân nhân liệt sĩ.
Hiện nay, Viện CNSH đã có dự định gì với chương trình giám định gien để xác định danh tính cho những hài cốt liệt sĩ vô danh?
Từ đầu năm 2003, mọi việc được bắt đầu và đây là một đề tài cấp cơ sở của Viện CNSH. Tôi là người triển khai thực hiện. Đến giữa năm 2004, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình sử dụng gien thi thể trong giám định hài cốt” ra đời và tôi cũng được giao làm chủ nhiệm đề tài.
Hiện nay đề tài này đã gần hoàn thành và công nghệ phân tích mẫu ADN, giám định gien đã khá hoàn thiện có thể chuyển giao được. Tuy nhiên, do là cơ quan nghiên cứu, chúng tôi không thể làm giám định một cách ồ ạt hài cốt liệt sĩ được. Đây chính là lý do, mà đến nay chúng tôi mới chỉ thực hiện được 60 trường hợp như đã nói ở trên. Ngay từ cuối năm 2003, chúng tôi đã xây dựng và trình lên các cấp đề án thành lập Trung tâm giám định gien hài cốt liệt sĩ.
Quy mô trung tâm này như thế nào? Và hiện nay đề án đã được triển khai đến đâu, thưa tiến sĩ?
Theo đề án mà chúng tôi xây dựng thì toàn bộ đầu tư sẽ vào khoảng 50 tỷ đồng. Bao gồm mua sắm các máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà, phòng thí nghiệm... Theo quy mô này, mỗi năm trung tâm sẽ thực hiện giám định được khoảng 10.000 bộ hài cốt liệt sĩ. Ngay từ cuối năm 2003 khi trình bày đề án với các bộ ngành liên quan, chúng tôi đều được ủng hộ rất nhiệt tình, nhất là Bộ LĐTB-XH, Bộ KH-CN và Viện KH-CN Việt Nam... Nhưng sau đó, khi đề án được báo cáo lên những cấp cao hơn, thì từ đó cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào.
Theo tiến sĩ, liệu còn bao lâu nữa, đề án có thể thành hiện thực?
Thú thực là tôi không thể biết điều đó. Tôi chỉ mong đề án sớm trở thành hiện thực. Với hoạt động của trung tâm này, hơn 300.000 hài cốt của liệt sĩ vô danh trên khắp đất nước hiện nay sẽ từng bước được xác định một cách chính xác, khoa học về danh tính, nguồn gốc... Đó mới chính là ý nghĩa lớn nhất của đề án này!
Theo Trần Lưu
Báo Sài gòn giải phóng