1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL

Thế Hưng

(Dân trí) - Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé của nhóm tác giả GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giành giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023, lĩnh vực Nông nghiệp.

Tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2023 diễn ra tối qua 20/12 tại Hà Nội, giải Nhất lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn được trao cho sáng kiến "Ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ và các giải pháp khoa học mới trong thiết kế, thi công công trình cống Cái Lớn - Cái Bé", của nhóm tác giả GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL - 1

GS.TS Trần Đình Hòa (thứ 4 từ trái qua) và cộng sự nhận giải Nhất lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 (Ảnh: Thành Đông).

Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân

Chia sẻ về sản phẩm đoạt giải, GS.TS Trần Đình Hòa cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 3,94 triệu hecta với dân số khoảng 20 triệu người. Khu vực này địa hình thấp, xung quanh cao, ở giữa thấp tạo thành lòng chảo, trũng gây khó tiêu thoát, thường bị ngập úng khi mưa lớn, lũ lớn và triều cường cao. Đây cũng là vùng châu thổ chịu ảnh hưởng đồng thời chế độ triều biển Tây và biển Đông.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL - 2

Các hạng mục công trình chính của dự án (Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp).

Do đó, theo ông Hòa, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng ở phía Tây ĐBSCL với nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi, với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha.

"Hệ thống cũng kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng", GS.TS Trần Đình Hòa cho hay.

Đồng thời, dự án còn góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang). 

Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng với các hạng mục công trình chính bao gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô, đường nối cống Cái Lớn với cống Cái Bé và quốc lộ 63. Trong đó, công trình cống Cái Lớn là công trình ngăn sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á về quy mô, kết cấu công trình.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL - 3

Biện pháp thi công công trình (Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp).

Dự án được giới hạn phía Bắc là kênh Cái Sắn; phía Nam và Đông Nam là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp; phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là Biển Tây.

Tổng diện tích đất tự nhiên vùng chịu ảnh hưởng của dự án trên 909.000ha, trên địa bàn của 6 tỉnh/thành Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ.

Đột phá công nghệ, tiết kiệm chi phí và thời gian

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS.TS Trần Đình Hòa cho hay, một trong những sáng kiến nổi bật giúp dự án tiết kiệm được thời gian và chi phí là "Tường tiêu năng" cho công trình ngăn sông bằng kết cấu phao rỗng lắp đặt trong nước.

Đây là giải pháp kết cấu và biện pháp thi công lắp ghép tường tiêu năng cho công trình ngăn sông theo công nghệ đập trụ đỡ ở dưới nước.

Sáng kiến này tiết kiệm chi phí xây dựng hạng mục tường tiêu năng cho cống khoảng 25-35% so với giải pháp thi công bằng cừ. Ngoài ra còn tiết kiệm chi phí khi rút ngắn thời gian thi công phải điều tiết giao thông thủy.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL - 4

GS.TS Trần Đình Hòa chia sẻ với phóng viên Dân trí sau lễ trao giải (Ảnh: Thành Đông).

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã áp dụng sáng kiến điều chỉnh vị trí tuyến âu thuyền từ giữa sông về gần bờ cống Cái Lớn, giúp giảm thiểu 40% giá thành hạng mục biện pháp thi công.

Đồng thời, sáng kiến còn giúp việc quản lý vận hành công trình âu thuyền khi được bố trí phía gần bờ sẽ đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều so với việc bố trí ở giữa sông.

Nhóm tác giả cũng cho biết, ngoài sáng kiến về mặt kỹ thuật, việc thay đổi phương án bố trí kết cấu công trình và kết cấu cửa van cống Xẻo Rô cũng đã đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực.

Theo đó, chi phí xây dựng giảm 22 tỷ đồng so với phương án cũ; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng nhỏ, số hộ dân bị ảnh hưởng, di dời nhà cửa ít hơn; thời gian thi công nhanh hơn 8 tháng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công.

Giải Nhất Nhân tài Đất Việt: Kiểm soát nguồn nước cho 20 triệu dân ĐBSCL - 5

Công trình cống Xẻo Rô khi hoàn thành (Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp).

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, GS.TS Trần Đình Hòa cho rằng, để hướng tới sự phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố con người, chúng ta phải lấy nhân tố nguồn nước làm trung tâm. 

"Nhằm hướng tới phát triển bền vững đối với ĐBSCL, vấn đề "chủ động kiểm soát nguồn nước" là một giải pháp cần được xem xét một cách thận trọng, khách quan và khoa học. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là một trong những dự án quan trọng góp phần hạn chế các tác động bất lợi, ổn định sản xuất nhằm hướng đến sự phát triển bền vững", ông Hòa khẳng định.

Tại buổi lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành lời khen cho dự án nói trên. Thủ tướng cho rằng đây là thành quả của những ngày đêm miệt mài nghiên cứu với ý chí, nghị lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; với tinh thần quyết tâm học tập, học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức mới; lấy phục vụ dân sinh là mục đích hoạt động.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm