1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải mật bộ đôi tàu ngầm mini Việt Nam

Ít ai biết được rằng trong thập niên 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này, Việt Nam đã từng sở hữu bộ đôi tàu ngầm mini, loại tàu hiện nay vẫn còn trong biên chế hải quân Triều Tiên và Iran.

Giáo sư Carlyle A.Thayer là nhà nghiên cứu quân sự - chính trị nổi tiếng người Australia, giảng viên bộ môn Chính trị học tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ohio (Mỹ) về môn Đông Nam Á học.

 

Theo tài liệu nghiên cứu xuất bản hồi năm 2009 với tiêu đề: “Vietnam People’s Army: Development and Modernization” (Con đường phát triển và hiện đại hóa của Quân đội Nhân dân Việt Nam) của mình, giáo sư Thayer cho biết, Việt Nam đã nhận hai tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yugo của Triều Tiên trong một vụ đổi gạo lấy vũ khí vào năm 1997.

 

Thông tin này chính thức được xác nhận trong một bài báo đăng trên báo “Tuổi Trẻ” tháng 1-2010. Đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đóng tại căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đời từ năm 1996, nhưng vì “bí mật quân sự” nên mãi đến sau này, đoàn M96 mới công bố một số thông tin về loại tàu ngầm này.

 

Hình ảnh chiếc tàu ngầm đăng tải trên báo Tuổi Trẻ tháng 1/2010

Hình ảnh chiếc tàu ngầm đăng tải trên báo Tuổi Trẻ tháng 1/2010

 

Báo Tuổi Trẻ viết: “Chính xác thì Đoàn M96 hải quân được thành lập vào ngày 2.8.1996, nhưng gần một năm sau mới tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một nước bạn”, nhưng không nêu tàu ngầm đầu tiên này là của nước nào. Còn trong một bài viết ngày 20-2-2012 trên Website Học viện Hải quân Mỹ, ông Thayer đã tái khẳng định đây là một tàu ngầm lớp Yugo (Una) của Triều Tiên.

 

Tàu ngầm Una của Triều Tiên được NATO gán cho cái tên là Yugo vì được sản xuất ở Nam Tư vào năm 1965, từ Yogo xuất phát từ cái tên Yugoslavia (Nam Tư - năm 2010 Montenegro cũng ngừng sử dụng toàn bộ tàu ngầm lớp Yugoslav-Era). Tàu ngầm lớp Yugo có lượng giãn nước nước 90 tấn khi nổi và 110 tấn khi lặn, với chiều dài 20m, rộng 3,1m, cao 4,6m, lặn sâu 120m.

 

Tàu sử dụng 1 động cơ đơn diesel MTU 320 mã lực, 1 động cơ điện dự bị và 1 động cơ dự bị (chạy ắc quy), giúp tàu đạt tốc độ tối đa vào khoảng 19 km/h khi nổi và 14 km khi lặn. Yugo trang bị 2 ống phóng ngư lôi loại 406mm, và biên chế 4 thủy thủ cùng từ 6 đến 7 lính đặc công nước (người nhái).

 

Tàu ngầm lớp Yugoslav-Era của Montenegro
Tàu ngầm lớp Yugoslav-Era của Montenegro

 

Hải quân Triều Tiên có tổng cộng 8 chiếc tàu ngầm lớp này, hiện 1 chiếc đã nghỉ hưu và 1 chiếc tai nạn đã ngừng sử dụng, 2 chiếc bàn giao cho Việt Nam, nên tính đến năm 2012 họ còn vận hành 4 chiếc tàu loại này. Dựa trên thiết kế của Una, hải quân Triều Tiên đã nghiên cứu phát triển lớp tàu ngầm mini mới là Sang-O.

 

Trong lực lượng hải quân Iran cũng có một số lượng không nhỏ tàu ngầm mini lớp này. Hiện Iran có khoảng hơn 20 chiếc tàu ngầm mini thuộc 2 lớp Yugo và Ghadir (phiên bản Yugo do Iran tự chế tạo), trong đó 16 chiếc lớp Ghadir chuyên dụng để bảo vệ dải bờ biển Iran và eo biển Hormuz.

 

Tàu ngầm mini lớp Ghadir (mô phỏng lớp Yugo của Triều Tiên) có lượng giãn nước 120 tấn
Tàu ngầm mini lớp Ghadir (mô phỏng lớp Yugo của Triều Tiên) có lượng giãn nước 120 tấn

 

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng hai chiếc tàu ngầm mini lớp Yugo dường như chỉ được Việt Nam sử dụng trong các hoạt động lặn và để hiểu thêm về cơ chế hoạt động cũng như bảo trì tàu ngầm. Theo một số nguồn tin, tàu ngầm Yugo được chuyển giao cho Việt Nam đã ngừng hoạt động trong năm 2012.

 

Việc nhận tàu ngầm lớp Yugo cho thấy đây là giai đoạn đầu tiên trong chiến lược phát triển năng lực dưới biển lâu dài của Việt Nam. Kinh nghiệm vận hành tàu ngầm mini đã cung cấp cho hải quân Việt Nam những nền tảng hiểu biết cơ bản về vận hành và bảo trì tàu ngầm.

 

Theo Nguyễn Ngọc
An ninh Thủ đô