1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lâm Đồng:

Giải mã phương pháp “hầm trong cát” giải cứu 12 công nhân bị sập hầm

(Dân trí) - Ngày thứ 2 sau khi giải cứu 12 công nhân mắc kẹt dưới hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (Lạc Dương, Lâm Đồng), dư âm cuộc giải cứu vẫn chưa dừng lại khi nhiều người còn băn khoăn về phương pháp “hầm trong cát” của lực lượng công binh Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Ảnh: Viết Hả
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Ảnh: Viết Hảo

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn, PV Dân trí tiếp tục có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo.

Đại tá Hùng nói:, phương pháp này đã được bộ đội ta áp dụng trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Nay bộ đội tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời bình để thực hiện các nhiệm vụ trong thi công, nhất là thi công đường hầm phục vụ bảo vệ biên giới và tham gia ứng cứu sụp đổ công trình.

Thưa Đại tá, hiện rất nhiều độc giả còn băn khoăn, chưa hiểu nhiều về phương pháp “hầm trong cát” của lực lượng công binh. Đại tá có thể chia sẻ thêm về phương pháp này?

Phương pháp “hầm trong cát” là một biện pháp thi công! Trong cuộc giải cứu này, chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp, trong đó biện pháp quan trọng nhất là thi công theo phương pháp đó.

Cụ thể là thi công đường hầm trong môi trường cát, trong môi trường nền đất đá rất yếu. Khu vực chúng tôi làm nhiệm vụ đất đá nhão, không liên kết nên chẳng khác gì trong môi trường cát. Mình phải chống được cát thì mới tiến được. Nói ra thì cách thức thực hiện rất dài và cũng hạn chế vì đây là bí quyết nghề nghiệp. Nếu độc giả nào yêu mến, muốn tìm hiểu thì xin mời nhập ngũ Binh chủng Công binh, chúng tôi sẽ huấn luyện chu đáo nội dung này để các đồng chí đi làm nhiệm vụ cứu hộ.

Ưu và nhược điểm của phương pháp “hầm trong cát”so với các phương pháp khác khi đào hầm là như thế nào, thưa Đại tá?

Nó giải quyết việc đào các tuyến hầm trong điều kiện nền đất không ổn định, địa chất phức tạp và rất yếu, cụ thể nhất là trong môi trường cát.

Khi mới vào hiện trường, đâu là lý do để công binh đề xuất phương pháp “hầm trong cát”? Khi đó Đại tá có lường được những rủi ro về mặt địa chất hay không?

Đó là biện pháp thi công, còn chúng tôi chỉ đề xuất phương án mở đường hầm phía bên trái ở vị trí trong cùng của mảng sụt trượt để rút ngắn khoảng hầm phải đào là 4,5m. Và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhất trí ngay với phương án đó, mặc dù địa chất, môi trường hết sức phức tạp vì khu vực công binh mở cửa hầm toàn bộ đất đá đang đè nén xuống.

Cửa hầm của lực lượng công binh chỉ có 19,5m là vào được vị trí các nạn nhân. Hướng thi công hầm là chạy theo đường thẳng, không chạy theo đường xiên nên rút ngắn khoảng một ngày so với cách đào vòng.

Ngoài chiến công giải cứu 12 công nhân dưới hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo tại Lâm Đồng, chiến công gần đây nhất của Lữ đoàn Công binh 293 nói riêng và của bộ đội công binh nói chung là gì, thưa Đại tá?

Đó là năm 2013, diễn tập thành công ARDEX-13 với các nước ASEAN về cứu hộ cứu nạn, ứng cứu thảm họa. Họ đến và thấy được khả năng của lực lượng công binh Việt Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn Việt Nam tham gia. Thế giới họ cũng đánh giá rất cao cuộc diễn tập này, đánh giá rất cao các lực lượng tinh nhuệ của Việt Nam trong cứu hộ, cứu nạn.

Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi!

Viết Hảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm