Giải cứu 3 cụ già bị ép đi ăn xin
Rạng sáng 17/3, một nguồn tin cho biết Công an P.9, Q.Gò Vấp, TPHCM đã giải thoát cho ba cụ già khỏi nạn chăn dắt đi ăn xin.
Các cụ già ngồi ăn xin tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp)
Lộ diện đầu mối
Bí mật đi theo, chúng tôi lần ra địa chỉ người đàn ông đang ở trọ với ba cụ già cùng vợ và một đứa con nhỏ tại nhà số 54/10D Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp. Ban ngày, người đàn ông này chở các cụ đi từ sáng sớm, trưa chở về cho ăn uống, tối lại chở ra đường, bỏ mặc các cụ quanh quẩn ở khu vực chợ Hạnh Thông Tây xin tiền, khoảng 22h30 lại đến chở về.
Người đàn ông chở các cụ đi ăn xin tên Bảy. Ba cụ già là cụ Lìu (75 tuổi), cụ Nhường (78 tuổi) và cụ Tiệp (80 tuổi), cùng quê ở Thanh Hóa. Khi hàng xóm hỏi chuyện, ông ta cho biết mình làm nghề chạy xe ôm, còn các cụ già là người thân của ông ta hằng đêm đi làm kiếm sống.
Trung tá Hoàng Đình Nhu - phó trưởng Công an P.9 - đã cùng các chiến sĩ lập phương án triển khai xử lý. Công an địa phương đã tập trung lực lượng kiểm tra hộ khẩu, triệu tập những người trong căn phòng trọ ở đường Phạm Văn Chiêu về trụ sở công an phường để làm rõ.
Tại cơ quan công an, người đàn ông tên Bảy được xác định tên đầy đủ là Hà Văn Bảy, 41 tuổi, quê ở Quảng Lợi, Quảng Xương, Thanh Hóa. Trước tết, ông Bảy cùng vợ là Nguyễn Thị Quế về quê tìm các cụ già yếu để gợi ý vào TPHCM, lập ra đường dây tổ chức ăn xin từ đó đến nay.
“Xin được bao nhiêu đưa hết cho Bảy”
Đó là câu trả lời của cả ba cụ già trước cơ quan công an về “nhiệm vụ” đi ăn xin của mình.
Cụ bà Nguyễn Thị Lìu kể từ trước Tết Nguyên đán vừa qua, bà gặp vợ ông Bảy. Bà này hỏi cụ: “Có vào Nam bán vé số kiếm tiền không thì tui giúp đưa đi...”. “Già rồi, ngồi không phiền con cháu, chúng nó nghèo, tui đi có tiền giúp thêm cháu ăn học...”. Cụ Lìu nghĩ như vậy và theo vợ chồng ông Bảy vào Nam mưu sinh, không chút hồ nghi. Bà Quế đã gửi cụ Lìu theo xe khách vào đến ngã tư Ga rồi ông Bảy ra đón.
Bà cụ kể thời gian đầu ông Bảy lấy vé số bảo cụ cứ đi bán, tiền thu được đưa về cho ông ta. Hằng ngày ông Bảy trích ra 60.000 đồng tiền xe ôm, 30.000 đồng tiền cơm nước và 30.000 đồng tiền nhà, “còn lại bao nhiêu khi nào cụ về quê sẽ trả”. Tuy nhiên, bán vé số được hai ngày thì cụ bị kẻ xấu giật mất tập vé, phải nợ lại tiền. Ông Bảy bảo cụ chuyển sang ăn xin và từ đây cụ Lìu bắt đầu theo nghề mới dưới sự đưa đón của ông Bảy. Bình quân mỗi ngày kiếm được 150.000-300.000 đồng, cụ phải đưa hết cho ông Bảy. Cụ Lìu nói: “Ở đây nóng quá, lê la suốt ngày, tui xem chừng đi không còn nổi rồi. Tui nhớ cháu quá, đầu tháng tư ni là giỗ ông nhà tui, nhiều lần xin ông Bảy về mà ổng nói tiền mô mà về...”.
Riêng cụ ông Trịnh Duy Nhường đã rất yếu, gần như không đi lại được. Năm nay cụ đã 78 tuổi, quê ở xã Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa. Suốt thời gian theo dõi, chúng tôi thấy cụ Nhường chỉ ngồi một chỗ ngay trụ điện ở góc chợ. Tại trụ sở Công an P.9, cụ nằm bệt trên nệm không ngồi dậy nổi, khuôn mặt hốc hác. Cụ Nhường thều thào: “Ngày tui chỉ ăn hai bữa, 11h trưa và 11h đêm, tui đói quá các chú à. Xin về từ hơn nửa tháng ni mà hắn không cho...”.
Ba cụ già đã nộp cho ông Bảy hơn 10 triệu đồng
Theo thừa nhận của chính ông Bảy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay cụ Nhường đã đưa cho ông này 1,8 triệu đồng, cụ Lìu đưa 3,6 triệu đồng và cụ Tiệp 4,8 triệu đồng. Tổng cộng 10,2 triệu đồng. Mặc dù giữ toàn bộ số tiền các cụ xin được và bắt mỗi cụ đóng tiền ăn ở với giá 120.000 đồng/ngày nhưng ông Hà Văn Bảy chỉ thừa nhận có việc gợi ý các cụ đi ăn xin và cho rằng mình giúp đỡ ăn ở cùng phương tiện để các cụ “kiếm sống”. Ông Hà Văn Bảy tại cơ quan công an Hiện sức khỏe của các cụ khá yếu và Công an P.9 đang tính đến phương án buộc ông Bảy hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các cụ. |
Theo Sơn Lâm - Đức Thanh
Tuổi Trẻ