1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giấc mơ lên bờ của cư dân vạn đò

(Dân trí) - Hàng nghìn hộ dân của cư dân xóm vạn đò sống trên sông Hương bao thế hệ nay đều có chung một giấc mơ, đó là giấc mơ… lên bờ, có đất, có nhà, không phải nổi nênh cùng những chiếc thuyền chông chênh. Giấc mơ đó, hơn 10 năm nay đã được quy hoạch thành dự án nhưng vẫn nằm trên giấy.

Giấc mơ lên cạn!

 

Đã từ rất lâu, trên sông Hương và các nhánh sông An Cựu, sông Đào hình thành những cư dân của “xóm vạn”. Chỉ tính riêng từ khu vực sông Hương đến Bao Vinh, dài chưa đầy 30km nhưng đã có hơn 20 xóm vạn đò, mỗi xóm có từ 20- 25 chiếc đò với hàng trăm nhân khẩu. Cuộc sống của người dân xóm vạn đò vốn nghèo đói, thiếu thốn, mất vệ sinh, lạc hậu, lại càng khốn khổ mỗi khi mùa mưa lũ về.

 

Khó khăn nhất là những dân cư xóm vạn đò phường Phú Hiệp, Phú Bình, Vĩ Dạ, An Cựu… Những thế hệ già trẻ nối tiếp nhau sống cuộc sống gắn bó với sông nước. Bà  Phạm thị Bàng năm nay đã 80 tuổi, nghĩa là đã 80 năm nay bà sống cuộc sống sông nước, trước cùng ông bà cha mẹ, giờ cùng con cháu; và cũng có nghĩa là đã 80 năm nay, bà mơ mãi một giấc mơ lên bờ.

 

5 người con của bà, 3 người con gái đã lên bờ theo chồng, 2 con trai “nối nghiệp tổ tông”, tiếp tục ở lại cùng sông nước. Con đò nhỏ chừng 7m2 bao nhiêu năm gắn bó với gia đình bà, giờ vẫn là nơi chui ra chui vào của bà và gia đình con trai.

 

Còn hàng trăm hộ dân vạn đò khác đang sống cuộc sống chen chúc, bẩn thỉu, tằn tiện trong những chiếc ghe, chiếc thuyền bé tẹo. Đó không chỉ là nơi sinh hoạt hằng ngày của cả một đại gia đình mà còn là nơi trú mưa, che nắng, tránh bão, tránh lũ mỗi khi mùa về.

 

Cái đói, cái nghèo và sự thất học đeo bám dai dẳng những cư dân vạn đò. Những đứa trẻ sinh ra còi cọc, lớn lên không được đến trường, lập gia đình và sinh con đẻ cái vẫn trên một chiếc thuyền.

 

Gia đình ông Thy, 3 thế hệ với 10 nhân khẩu sống chung trong một con đò chưa đầy 10m2. Đứa cháu nhỏ của ông năm nay đã 10 tuổi nhưng chưa từng được đến trường, người bé nhỏ thó như đứa trẻ 6 tuổi, chưa từng nhìn thấy mặt chữ cái A, B, C.

 

Ông Thy than thở: “Vẫn biết thương mấy đứa cháu nhỏ sống cuộc sống khó khăn, không được đến trường bằng bạn bằng bè nhưng biết làm sao! Cái ăn còn chẳng có huống gì cái học! Vả lại muốn đi học được cũng phải lên được cạn chứ”. Cả gia đình ông Thy, bao đời nay, làm gì có ai biết đọc.

 

Gia đình ông Quê có đến 14 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ, sống chen chúc trên một chiếc thuyền ở khu vạn đò phường Phú Hiệp. Các thành viên kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, “con trai nối nghiệp bố, con gái theo người ta lên bờ đi làm thuê ở chợ Đông Ba, con trai thứ nữa đi đạp xích lô trên bờ” - ông Quê kể.

 

Cuộc sống trước đây chủ yếu nhờ vào con cá, con tôm, nhưng cá tôm bắt mãi cũng cạn nên đành vay tiền làm vốn, lên bờ kiếm kế sinh nhai. Cũng như gia đình ông Thy, những người con, đứa cháu của ông Quê chưa từng được đến trường.

 

Xóm vạn đò bao đời nay còn khổ vì chuyện đăng ký hộ khẩu và làm giấy tờ khai sinh cho con trẻ. Tổ 14 phường Phú Bình có 120 hộ thì có 30 gia đình chưa có hộ khẩu đăng ký và 1/3 trẻ em chưa có giấy khai sinh. Chính quyền cơ sở đã nhiều lần trực tiếp xuống tận ghe thuyền, vận động bà con nhưng không mấy ai để ý.

 

Một khó khăn khác là các dân vạn đò có số nhân khẩu quá lớn, có gia đình có đến 20-25 nhân khẩu, sống chung trên một chiếc thuyền. Đây là hệ quả của việc các cấp cơ sở không cho các hộ dân tự ý sống riêng biệt để tiện cho việc phân cấp đất định cư của người dân khi lên bờ. 

 

Dân vạn đò ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt trên những con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vào mùa nước lũ, người dân lại đối mặt với những cái chết bất thình lình. Chị Thương, một cư dân xóm vạn, lo lắng: “Vào mùa này nước lũ lên, sợ nhất là mấy đứa trẻ con hay ra nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Đã có không ít trường hợp thương tâm đã xảy ra!”.

 

Chưa đầy một tháng qua, Huế vật lộn với 4 cơn lũ. Khát vọng lên bờ của các cư dân xóm vạn lại bùng lên dữ dội.

 

Đề án đã duyệt nhưng vẫn phải chờ!

 

Hơn 10 năm nay, tỉnh TT-Huế đã tiến hành quy hoạch, từng bước đưa hơn 1.000 hộ dân vạn đò lên bờ. Mới đây, dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến khoảng 236 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ hoàn thành.

 

Với đề án di dân vạn đò quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mục tiêu đặt ra không chỉ dừng lại ở việc định canh định cư mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như giải quyết “tệ nạn vạn đò” (ô nhiễm mỗi trường sinh thái sông nước, sinh nhiều con, mù chữ, đói nghèo,…), cải thiện hình ảnh văn hóa của một thành phố di sản, du lịch…

 

Hiện TP Huế đang cố gắng tập trung đầu tư kinh phí và tìm ra những biện pháp thực thi có hiệu quả nhất nhằm thực hiện triển khai dự án định cư cho hơn 1.000 hộ dân vạn đò. 

 

Xin được kết thúc bài viết bằng lời tâm sự của cụ Bàng: “Tôi đã sống được 80 năm, thế là thỏa mãn lắm rồi. Trước khi chết chỉ mong được nhìn thấy  các con và những đứa cháu được lên bờ sống cuộc sống như người ta, được ăn học đến nơi đến chốn, có ngôi nhà che nắng trú mưa và trốn lũ!”.

 

Mạnh Phan