An Giang:

Giặc lửa phá tan hoang ấp nghèo

(Dân trí) - Phút chốc, 85 căn nhà của bà con vùng biên giới ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, chỉ còn là đống tro tàn. Hàng trăm con người không biết bao giờ mới có thể ổn định cuộc sống!

Ngậm ngùi bên đống tro tàn

Sau khi đám cháy dữ dội xảy ra vào trưa ngày 12/6 tại xã Vĩnh Xương được dập tắt, chúng tôi chứng kiến nhiều em nhỏ, cụ già,… đứng thẫn thờ bên đống tro tàn đổ nát. Cụ Võ Thị Mỹ (91 tuổi) chậm rãi: “Tui sống gần cả trăm tuổi rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến một đám cháy kinh hoàng như thế. Hôm đó, nếu không có mấy cháu thanh niên ở xóm đưa tui ra khỏi nhà thì giờ này tui không còn cơ hội ngồi đây trò chuyện”.

Xóm nghèo vùng biên chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn

Xóm nghèo vùng biên chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn

Hàng chục năm nay, cụ Mỹ thui thủi sống một mình, lâu lâu con cháu ghé thăm cho ít tiền, gạo, sữa,… Thế nên dù nhà đã bị cháy hết cụ cũng chẳng nôn nóng đòi chính quyền xây cho nhà mới. Cụ âm thầm tìm kiếm những gì còn sót lại rồi đi tá túc ở nhà người quen.

Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Tho (81 tuổi) bùi ngùi kể: “Với những hộ khá giả, việc xây lại nhà, mua sắm lại đồ dùng đã khó. Với những người lớn tuổi và nghèo như chúng tôi thì biết bao giờ mới làm lại được? Ông nhà bị tai biến hơn 10 năm nay, còn tôi tuổi cao, bệnh tật liên miên. Tất cả chỉ biết trông chờ vào địa phương và các nhà hảo tâm thôi”.

Cụ Tho băn khoăn không biết bao giờ mới được trở lại cuộc sống như trước đây

Cụ Tho băn khoăn không biết bao giờ mới được trở lại cuộc sống như trước đây

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Xương - chia sẻ: “Có thể nói sau khi giặc lửa đi qua, người nghèo, người giàu bây giờ đều khóc như nhau. Tuy nhiên với những hộ khá giả thì họ sẽ “gượng dậy” nhanh chóng, còn những hộ nghèo như hộ bà Mỹ, ông Liễu và những bà con khác là hết sức khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm sau trận giặc lửa kinh hoàng này”.

Anh Út Nhàn buồn thiu cho biết: “Phút chốc 20 chuồng trăn chỉ còn lại đống tro thế này. Trăn lớn, trăn con bị cháy đen thui, khét lẹt,… Mấy chục triệu đồng bị “bà hoả” thiêu rụi hết. Nay mai chẳng biết ăn ở sinh sống như thế nào”.

Ông Lê Thái Sang - Phó Chủ tịch xã Vĩnh Xương - cho biết, sau vụ cháy kinh hoàng, chính quyền địa phương, thị trấn Tân Châu cùng các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh An Giang đã đến động viên chia sẻ với bà con có nhà bị cháy, mỗi hộ được nhận 11 triệu đồng và các vật dụng cần thiết. Tuy nhiên đời sống hiện tại của những hộ có nhà bị cháy còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của xã hội.
 
Ông Nguyễn Thành Nhân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Tân Châu - nói: "Mấy ngày qua, 85 hộ có nhà bị cháy được địa phương hỗ trợ chăn màn. Nhưng mỗi hộ có đến 3, 4 nhân khẩu nên số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu không đủ. Tỉnh hội cũng đang tăng cường thêm tấm bạt để hỗ trợ bà con dựng lại nhà, có chỗ che nắng che mưa".

Vật vã đi tìm di ảnh ông bà

Khác với những hộ có nhà bị cháy tại ấp 1, vợ chồng anh Phạm Văn Phong thuộc hộ cận nghèo, sau gần 10 năm lao động vất vả dành dụm được 20 triệu đồng, xây dựng được căn nhà mơ ước vách tường, mái tôn. Nhưng bỗng chốc, căn nhà và mọi vật dụng trong nhà đều tan biến hết khi giặc lửa đi qua.

Anh Phong kể lại: “Hai vợ chồng quanh năm đi làm thuê làm mướn sinh sống và hôm đó cũng như mấy ngày khác, hai vợ chồng tui gửi con cho người thân rồi đi làm như mọi khi. Thình lình, nghe tin nhà bị cháy hết rồi, lúc đó tay chân tui bủn rủn nhưng cũng gắng chạy về xem. Đến nơi hai vợ chồng chỉ biết ôm con khóc vì vất vả cả chục năm trời mới dựng được căn nhà, bây giờ chỉ còn là đóng tro”.

Anh Phong thẫn thờ than, cái tivi, cái tủ... nay mai đi làm có tiền mua lại được, còn mấy tấm ảnh cưới của vợ chồng, hình của con, di ảnh của ông bà tổ tiên thành tro cả rồi, không tiền nào mua lại được.

Anh Phong bị dị tật ở chân từ nhỏ, đi lại khó khăn, hàng ngày làm việc ở vựa phế liệu gần nhà, nhận công 40.000 – 50.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập như thế, anh Phong lo lắng chẳng biết đến khi nào anh mới có tiền xây lại căn nhà như trước.

Anh Út Nhàn xót xa khi mấy chuồng trăn thành tro

Anh Út Nhàn xót xa khi mấy chuồng trăn thành tro

Tiếp xúc với người dân có nhà bị cháy ở ấp 1 bây giờ, ngoài sự tiếc nuối nhà cửa, vật dụng,… của gia đình thì có hàng chục hộ lo lắng về việc thờ cúng ông bà sau này, bởi  giặc lửa tràn qua, ngoài việc thiêu rụi căn nhà thì những tấm di ảnh đặt trên bàn thờ chỉ còn lại trong tâm trí người thân.

Anh Đặng Văn Sơn là gia đình có công cách mạng cho biết: “Vợ chồng tui đang thờ ông nội (ông nội anh Sơn là liệt sĩ - PV), cả dòng họ chỉ có tấm ảnh duy nhất đặt trên bàn thờ nhà tui bấy lâu nay, bây giờ di ảnh của ông nội cháy rồi chẳng biết tìm đâu để hương khói sau này”.

Nguyễn Hành