Giá thuốc đội lên nhiều lần nhưng người mua không bao giờ mặc cả

Hoa Lê

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội chỉ rõ việc quản lý giá thuốc lỏng lẻo. Người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều lần.

Quản lý giá thuốc lỏng lẻo

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chiều 26/6, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho biết, người Việt Nam thường có quan điểm "mặc cả với giá thuốc là mặc cả với sức khỏe của chính mình". Do đó tất cả những người đi mua thuốc đều không bao giờ mặc cả.

Trong khi đó theo đại biểu, quản lý giá thuốc trong giai đoạn hiện nay rất lỏng lẻo. Người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều.

"Trong giai đoạn hiện nay chúng ta có chuyển đổi số thì phải ứng dụng vào quản lý giá thuốc với những nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện", đại biểu đề nghị.

Về thương mại điện tử trong kinh doanh thuốc, đại biểu cho rằng cần cân nhắc và có quy định hết sức ngặt nghèo, cẩn trọng. Bởi hiện nay việc giao bán thuốc rất phức tạp, có nhiều người mất tiền oan và thuốc không chữa được bệnh.

Giá thuốc đội lên nhiều lần nhưng người mua không bao giờ mặc cả - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) quan tâm đến vấn đề phân phối, trong đó có việc bùng nổ gia tăng số lượng các công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ.

"Điều này tôi nghĩ không nên chỉ đánh giá tích cực là dân chúng ta được tăng khả năng tiếp cận với thuốc. Thực ra vấn đề này dẫn đến tăng chi phí trung gian, khó về kiểm soát giá thuốc, trong khi cơ chế hậu kiểm, bộ máy thanh tra vẫn như cũ", đại biểu nêu.

Theo bà Lan, với các nhà thuốc, khi lợi nhuận giảm thì bắt buộc sẽ có các chiêu trò cạnh tranh và bỏ qua chuyện kê đơn bác sĩ. Cho nên hiện nay có tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được.

Đại biểu đề nghị phải quy định tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc, cho những nhà thuốc được phân bổ hợp lý hơn, tránh tập trung vào một số chỗ nhưng vùng sâu, vùng xa vẫn không có.

Đồng thời bổ sung điều kiện cư trú của dược sĩ, tránh tình trạng một dược sĩ có chứng chỉ hành nghề có thể mở nhà thuốc ở bất cứ nơi nào trong khi nghịch lý là đang làm việc ở một đơn vị khác.

"Như thế nhìn là thấy cho thuê bằng ngay rồi. Cần công khai giấy phép tại nhà thuốc, tăng cường vai trò của hội hành nghề. Phải giải quyết tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tăng giá thuốc", đại biểu nói.

Bán thuốc online tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online.

Đại biểu cho rằng, quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, kinh doanh trên phương thức thương mại điện tử cần có quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được bán, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức hướng dẫn, sử dụng thuốc, trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố...

Liên quan việc quảng cáo thuốc trên mạng xã hội, đại biểu nêu thực tế hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng... khá tùy tiện, không được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dân.

Hai hình thức quảng cáo phổ biến là mượn danh các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ... có uy tín hoặc người nổi tiếng để quảng cáo; hoặc đưa ra hình ảnh một số người bệnh dùng thuốc này thuốc kia tốt, khỏi bệnh...

Giá thuốc đội lên nhiều lần nhưng người mua không bao giờ mặc cả - 2

Đại biểu Lã Thanh Tân (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, trách nhiệm quản lý dạng quảng cáo này có vẻ đang chồng chéo và bị buông lỏng giữa các bộ, ngành.

Về việc dự luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục, tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung... về thông tin quảng cáo thuốc, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng cần tính toán cẩn trọng bởi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất khó kiểm soát.

Ông cũng đề nghị đối với thuốc cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế từ khâu phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra, thông tin cho người dân biết để phòng tránh.

Bên cạnh đó, cần có các quy định rõ ràng, tránh bán thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.