1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tử thần ẩn trong những viên thuốc "chợ mạng" dễ mua như bó rau

Minh Nhật Đoàn Thủy

(Dân trí) - Việc mua bán thuốc kê đơn tràn lan trên nền tảng trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Tử thần trong những viên thuốc "chợ mạng" dễ mua như bó rau (Video: Đoàn Thủy).

Thuốc kê đơn tràn lan chợ mạng, có tiền là bán

Chỉ cần gõ từ khóa "mua bán thuốc tây" tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, kết quả có hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc. Mỗi nhóm này có từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên.

Ghi nhận thực tế, những nhóm này mỗi ngày có hàng chục tài khoản cá nhân đăng tải bán thuốc, thậm chí có nhiều thuốc kê đơn.

Tử thần ẩn trong những viên thuốc chợ mạng dễ mua như bó rau - 1

Nhan nhản các hội nhóm mua bán thuốc trên mạng (Ảnh: Chụp màn hình).

"Cam kết rẻ hơn thị trường", "Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn"... những lời mời chào hấp dẫn khiến việc mua bán trên các hội nhóm này trở nên rất nhộn nhịp.

Đáng chú ý, chỉ cần để lại địa chỉ và báo số lượng, bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc kê đơn mà không cần bất cứ điều kiện nào khác.

Tại nhóm "Hội nhà thuốc tây" có hơn 160.000 thành viên, một tài khoản đăng bài viết muốn tìm mua thuốc Thiazifar 25mg trị tăng huyết áp, phù do suy tim. Trên bao bì hộp thuốc ghi rõ "Thuốc kê đơn".

Tử thần ẩn trong những viên thuốc chợ mạng dễ mua như bó rau - 2

Sau khi bài viết hỏi mua thuốc được đăng tải, liên tục các tài khoản vào mời chào bán thuốc (Ảnh: Chụp màn hình).

Sau khi bài viết đăng tải, tài khoản khác nhanh chóng để lại bình luận cho biết có sẵn hàng, nếu cần sẽ gửi thuốc đến tận nơi khi có nhu cầu mà không cần đơn bác sĩ.

Theo các chuyên gia, với loại thuốc này, nếu không có sự tư vấn của bác sĩ, dùng sai liều hoặc không đúng chỉ định tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: hạ huyết áp, rối loạn điện giải, thậm chí sốc phản vệ diễn biến nhanh dẫn đến tử vong.

Cũng trong nhóm này, một tài khoản mạng xã hội khác đăng bán thuốc Meyercolin (một loại thuốc điều trị bệnh thần kinh).

Bài viết bán thuốc kê đơn chỉ đơn giản một vài dòng mô tả thông tin về thuốc, hình ảnh thuốc. Người bán không cung cấp bất kỳ thông tin hay giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của thuốc hay giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề.

Meyercolin không sử dụng đúng cách có thể dẫn đến phản ứng phụ như rối loạn điện giải, đi lại không vững dẫn đến các chấn thương...

Tử thần nấp trong những viên thuốc kê đơn dễ mua như bó rau 

Theo BSCKI Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), khi người dân mắc bệnh thường rất hoang mang và không biết dùng thuốc gì điều trị.

Thói quen của nhiều người Việt Nam sẽ lên trên mạng tìm kiếm về căn bệnh của mình và cách chữa.

Nhiều người bán thuốc online đánh vào tâm lý người bệnh như vậy. Điều này làm cho người bệnh chưa kịp hưởng lợi ích của thuốc đã phải chịu các tác dụng phụ của thuốc.

Tử thần ẩn trong những viên thuốc chợ mạng dễ mua như bó rau - 3

BSCKI Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Thậm chí, việc mua bán thuốc trên mạng có thể là chiêu trò để các nhà thuốc tuồn thuốc ra bên ngoài, ví dụ như thuốc sắp hết hạn sử dụng, thuốc tồn kho", BS Dũng cho hay.

Chuyên gia này nhấn mạnh, sử dụng thuốc kê đơn cần có sự tham vấn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Việc tự ý mua và sử dụng thuốc kê đơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm:

- Sử dụng thuốc không phù hợp với bệnh nền: Việc sử dụng thuốc không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng phản ứng với thuốc, làm nặng thêm tình trạng bệnh hoặc gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Nguy cơ này cao hơn đối với bệnh nhân có nhiều bệnh lý cùng lúc. 

- Sử dụng thuốc giả, thuốc hết hạn: Việc mua thuốc trên mạng, đặc biệt là qua các trang web không uy tín, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thuốc giả hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng. Những loại thuốc này có thể không mang lại hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Vừa qua, tại Quảng Bình đã ghi nhận một trường hợp bị thủng ruột, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau 3 tháng dùng thuốc mua trên mạng.

Tử thần ẩn trong những viên thuốc chợ mạng dễ mua như bó rau - 4

Quá trình phẫu thuật phát hiện lỗ thủng kích thước 5mm ở mặt trước hành tá tràng bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân cho biết, suốt 3 tháng qua có sử dụng thuốc điều trị đau khớp mua trên mạng. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp biến chứng do lạm dụng kháng viêm có chứa hoạt chất NSAID (là thuốc giúp giảm đau, chống viêm, không có steroid trong cấu trúc).

BS Dũng dẫn chứng một thực trạng nhức nhối là kháng kháng sinh do người dân mua kháng sinh quá dễ dàng và mua tràn lan, một phần qua mạng. Không ít người dân cứ có biểu hiện ốm sốt là đã đi mua ngay kháng sinh.

"Việc mua bán kháng sinh chúng ta thấy lâu nay rất dễ dàng, chỉ cần ra hiệu thuốc hỏi mua là sẵn sàng đáp ứng ngay mà không biết bệnh nhân có tình trạng dị ứng gì trước đó hay không; đang sử dụng kháng sinh đó có phù hợp với bệnh hay không.

Việc này lại càng dễ dàng hơn ở trên mạng. Nếu những người mua bán thuốc online không có chứng chỉ hành nghề, không có một chút chuyên môn nào thì việc họ bán kháng sinh tràn lan như vậy rất tai hại", BS Dũng phân tích.

Hậu quả như chúng ta đã thấy, Việt Nam đang trở thành một quốc gia tốp đầu trên thế giới về tỷ lệ kháng kháng sinh.

Chính phủ đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội

Chiều 18/6, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chính phủ nêu thực tế trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc mua sắm qua Internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân.

Bên cạnh đó, trên thực tiễn đã xuất hiện loại hình tổ chức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, nhưng các nội dung này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh.

Vì thế, dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.

Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử.

Các cơ sở này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng nêu rõ "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác".