Già làng Tây Nguyên và tâm tư hướng về biển Đông

(Dân trí) - “Từ khi nghe Trung Quốc mang giàn khoan ra biển Đông của Việt Nam, mình rất bức xúc, lo lắng, lúc nào cũng chờ xem thời sự. Hành động của Trung Quốc là phi nghĩa và sẽ thất bại”, già làng Brô Vẻ chia sẻ.

Những ngày này, tinh thần đoàn kết và yêu nước quật cường của người dân Việt Nam đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, từ các con phố đến các làng bản đâu đâu một lòng hướng về biển Đông.

Cách thành phố Kon Tum gần 100km, làng Đăk Răng (Đăk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) của người Striêng dù vẫn hàng ngày bám rẫy nhưng tối tối luôn theo dõi mọi thông tin về biển Đông. Già làng Brô Vẻ cho biết, già là một trong những người thuộc thế hệ đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh nên rất trân yêu cuộc sống hòa bình.

Vì vậy, từ khi nghe thông tin về việc Trung Quốc mang dàn khoan HD 981 lấn chiếm biển Đông của Việt Nam, già và những người dân trong làng rất bức xúc, thường xuyên theo dõi thông tin trên ti vi để nắm bắt tình hình: “Mình chỉ mong Trung Quốc rút khỏi biển Đông, trả lại sự yên bình trên biển cho người dân Việt Nam. Người Striêng luôn luôn đồng lòng cùng người dân cả nước chống giặc ngoại xâm”, già Brô Vẻ bày tỏ.

Vốn có nguồn gốc từ nước bạn Lào, nhưng ngày còn trẻ già làng Kring Nhỉ ( trú làng Đắk Hú, Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) đã tham gia cách mạng Việt Nam. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, già cùng những người dân trong làng mình di cư sang Việt Nam ở huyện biên giới Ngọc Hồi sinh sống. Được Đảng và nhà nước quan tâm, từ một ngôi làng nghèo khó đến nay làng Đắk Hú đã có cuộc sống ấm no, nhiều gia đình có thu nhập từ 18-20 triệu đồng/tháng từ trồng cao su. Để thể hiện sự biết ơn, lòng yêu nước của mình các hộ gia đình ở làng Đắk Hú đều treo ảnh Bác Hồ trong nhà.

Già làng Krinh Nhỉ vận động thanh niên trong làng sẵn sàng khi tổ quốc cần
Già làng Krinh Nhỉ vận động thanh niên trong làng sẵn sàng khi tổ quốc cần

Tuổi đã cao, nhưng già Kring Nhỉ vẫn còn khá minh mẫn. Già vẫn nhớ và tự hào khi năm 1958 mình được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Già bày tỏ, những ngày này già rất buồn khi nghe ti vi nói Trung Quốc đang lấn chiếm biển đông của Việt Nam. Già tuổi đã cao, sức yếu không còn có thể ra chiến trường được, nhưng để bảo vệ tổ quốc già sẽ tuyên truyền cho thế hệ trẻ trong làng sẵn sàng chiến đấu khi tổ quốc cần. “Họp làng mình luôn nói người dân trong làng về tình hình biển Đông trên ti vi nói, mình động viên những thanh niên trong làng hãy sẵn sàng khi Đảng và nhà nước cần”, già Nhỉ cho biết.

Người dân làng Đăk Hú đều thờ ảnh Bác Hồ
Người dân làng Đăk Hú đều thờ ảnh Bác Hồ

Là chiến sĩ cách mạng trở về sau giải phóng, bà Ksor H’Lâm (làng Krông, xã Ia Mơr, Chư Prông, Gia Lai) tiếp tục hy sinh tuổi xuân của mình để xây dựng đất nước. Giờ đây, bà là một trong số rất ít phụ nữ được người dân tin tưởng tôn lên làm già làng. Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, già H’Lâm nhấn mạnh: “Bằng mọi giá phải giữ vững chủ quyền của Việt Nam. Nước chúng ta nhỏ, nhưng tinh thần đoàn kết và tình yêu nước của người Việt Nam không hề nhỏ”, già H’Lâm nhấn mạnh.

Ông Vũ Ngọc Luyện- Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nhận được tuyên bố chính thức của Hội Cựu Chiến Binh (CCB) Việt Nam về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, ngay lập tức Hội CCB Gia Lai đã có văn bản gửi tất cả các Hội CCB các huyện, thị, thành và khối 487. Về việc đề nghị các cấp Hội phổ biến rộng rãi bản Tuyên bố của Hội CCB Việt Nam đến mọi cán bộ, hội viên và nhân dân; đồng thời kêu gọi mọi công dân trong tỉnh đề cao lòng yêu nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng những việc làm thiết thực, đúng pháp luật…

Ông Luyện luôn theo dõi từng thông tin về biển đông
Ông Luyện luôn theo dõi từng thông tin về biển Đông

Ông Luyện cũng cho biết thêm, hiện một số Hội CCB ở các địa phương trong tỉnh đã có ý kiến xin được mít tinh, tuần hành để phản đối hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội phải chờ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Thiên Thư