Giá dứa xuống thấp kỷ lục, người nông dân để dứa chín thối ngoài đồng
(Dân trí) - Thời gian gần đây, giá dứa xuống thấp kỷ lục khiến người trồng dứa tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa rơi vào cảnh lao đao. Thậm chí, nhiều người nông dân đành phải chấp nhận để dứa chín thối ngoài đồng.
Xã Hà Long, huyện Hà Trung được xem là một trong những thủ phủ dứa tại Thanh Hóa. Theo phản ánh của người dân, những ngày qua, giá dứa xuống thấp, thậm chí thương lái còn không thu mua khiến người nông dân lao đao.
Được biết, những năm trước, giá dứa tương đối ổn định ở mức 4 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều ruộng dứa đã chín, héo cuống và rục xuống ruộng nhưng người trồng dứa gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Theo chị Mai Thị Tuyết (45 tuổi), ở thôn Cầu Vân Bảo, xã Hà Long, gia đình chị trồng 1 ha dứa với sản lượng khoảng 40 tấn đã cho thu hoạch. Hơn một tháng trước, giá dứa từ 6 - 6,5 nghìn đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn 2.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không thu mua cho.
“Vụ vừa rồi, tôi đầu tư 6 vạn chồi cùng với phân tro, công chăm sóc hết khoảng 130 triệu đồng. Đến thời điểm này, mới thu hoạch được 40 triệu đồng, còn phải 80 -90 triệu đồng nữa mới lại vốn. Nhưng khoảng một tháng nay không thấy thương lái mua nữa. Trong khi đó, đây là thời điểm nắng nóng, dứa chín nhiều”, chị Tuyết cho biết.
Đứng nhìn ruộng dứa chín thối của gia đình, chị Tuyết nghẹn ngào: “Giờ vay vốn ngân hàng đang nợ, không biết lấy đâu ra tiền để trả rồi còn tiền đầu tư tái sản xuất nữa. Làm không kể nắng mưa, ngày đêm chăm sóc cây dứa nhưng giờ không biết bán cho ai. Cứ mỗi lần lên vườn dứa là chỉ còn biết khóc, xót xa quá vì hơn 20 tấn dứa phải vứt bỏ”.
Không chỉ dứa quả mất giá, chồi dứa cũng theo đó không có ai mua, người trồng dứa thiệt đơn thiệt kép.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết, địa phương đã thu hoạch được khoảng 80%, còn lại khoảng hơn 5.000 tấn chưa có thương lái thu mua. Đến thời điểm này lẽ ra phải che dứa vì thời tiết nắng nóng, nhưng do giá dứa rẻ nên bà con không che, bỏ bê. Dứa bấp bênh, xuống giá nhanh và năm nay xuống thấp nhất.
Theo đánh giá của ông Thành, dứa xuống giá ảnh hưởng lớn đến điều kiện kinh tế của các gia đình. Việc trồng dứa tại địa phương là do bà con tự trồng và thương lái đến thu mua.
Diện tích dứa của địa phương này hơn 650ha, năng suất bình quân 45 tấn/ha. Những năm gần đây, cây dứa phát triển đem lại sản lượng, chất lượng cao. Tuy nhiên quả dứa chủ yếu bán cho các thương lái trên thị trường, qua nhiều khâu trung gian giá cả không ổn định ảnh hưởng đến người dân sản xuất.
Để đảm bảo cho nhân dân sản xuất theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có giá thành ổn định, phát triển bền vững, UBND xã Hà Long đề nghị cấp trên xem xét đặt vị trí xây dựng nhà máy chế biến dứa tại vị trí bãi Thanh Hao, giáp đường tỉnh lộ 522b.
Thực trạng dứa xuống giá không chỉ xảy ra tại Hà Trung mà giá dứa tại vùng dứa huyện Ngọc Lặc và Yên Định cũng đã xuống thấp kỷ lục, giá bán không bù lại được chi phí sản xuất và thuê nhân công hái. Một số người trồng dứa còn chấp nhận để dứa chín thối ngoài ruộng.
Tại thời điểm này, thương lái chỉ thu mua những quả dứa có trọng lượng từ 0,8kg trở lên. Loại dứa nhỏ hơn (hay còn gọi là dứa bi), không có ai thu mua, người trồng dứa đành chấp nhận để chín thối ngoài đồng.
Theo những người trồng dứa, vì không có được đầu mối thu mua ổn định, nên họ thường xuyên bị ép giá.
Thực trạng giá dứa tại nhiều vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuống thấp và người dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, một lần nữa cho thấy, khi chưa có đầu ra ổn định cho nông sản, thì giá cả thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và nhu cầu của thị trường bán lẻ. Và hơn hết, thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân tự gánh chịu…
Duy Tuyên