Quảng Nam:

Giá cát xây dựng tăng cao, “cát tặc” hoành hành

(Dân trí) - Giá cát xây dựng tăng cao khiến hoạt động khai thác cát ở nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Nam ngày càng khó kiểm soát. Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra cả ngày lẫn đêm ở một số địa phương có trữ lượng cát lớn.

Dọc theo tuyến đường ven biển 129, đoạn qua xã Bình Đào (huyện Thăng Bình), không khó để nhận ra hàng chục bãi cát trắng bị cày xới nham nhở, để lại những hố sâu nguy hiểm. Để vận chuyển cát ra khỏi khu vực khai thác trái phép, các đối tượng ngang nhiên tháo lề đường, lót xăm lốp xe vào khu vực bãi cát để khỏi bị lún.

Cát tặc hoành hành ở Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam họp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên sông Vu Gia - Thu Bồn

Đây là tuyến giao thông huyết mạch ven biển nối từ Đà Nẵng vào đến sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam), phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ nên việc khai thác cát trái phép để lại những hậu quả khôn lường, gây mất an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên khoáng sản...

Xã Bình Đào hiện chỉ có khu vực được cấp phép khai thác cát nằm tiếp giáp với xã Bình Minh, còn lại có hàng chục điểm khai thác bất hợp pháp. Theo lãnh đạo địa phương, từ tháng 12/2018 đến nay, các đối tượng lợi dụng đêm khuya, ngang nhiên đưa xe tải vào khu vực khai thác vận chuyển cát trái phép, gây mất an ninh trật tự.

Cát tặc hoành hành ở Quảng Nam

Khai thác cát, sỏi không kiểm soát gây sạt lở bờ sông

Đó là trên cạn, còn dưới nước, dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An, nạn khai thác cát trái phép cũng diễn ra tràn lan. Để qua mặt cơ quan chức năng; ban ngày, các phương tiện khai thác cát “núp lùm”, đến đêm khuya, các đối tượng sử dụng tàu thuyền gắn vòi hút thi nhau rút ruột dòng sông.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đại tá Nguyễn Đức Dũng, từ quý IV/2018 đến nay, các lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát kinh tế đã xử lý 42 vụ, 42 đối tượng khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 700 triệu đồng, tạm giữ phương tiện để xử lý.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm, bên cạnh tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra hằng đêm trên sông Thu Bồn, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cũng đã lợi dụng giấy phép khai thác không đúng theo phương án được duyệt, khai thác không đúng giờ quy định, không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển cát…

Cát tặc hoành hành ở Quảng Nam

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các ghe hút các trái phép

Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Nam, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 29 mỏ khoáng sản được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết, trong số này có một mỏ, bến bãi hoạt động trái phép, khai thác quá mức trên các lòng sông đã gây sạt lở, mất đất tại nhiều nơi, gây bức xúc lớn trong nhân dân.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn là do công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi còn bất cập, chưa thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân.

Cát tặc hoành hành ở Quảng Nam

Những ghe hút cát trái phép được đưa về chân cầu Câu Lâu (huyện Duy Xuyên) để xử lý

Trong khi đó, do lợi nhuận cao từ việc khai thác trái phép cát, sỏi nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm; nóng nhất là các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.

Trong tuần qua, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đã chủ trì một buổi họp với các địa phương để chấn chỉnh tình hình khai thác cát, sỏi trái phép.

Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép bùng phát trong thời gian qua là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bất cập. Để lập lại trật tự, tỉnh Quảng Nam tiến hành siết chặt các hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.

Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bài tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường...

Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6-18h từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6-17h từ tháng 10 đến hết tháng l2 dương lịch... Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì đình chỉ khai thác.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam thống nhất lập các chốt kiểm tra, kiểm soát có camera giáp sát 24/24 tại 5 vị trí ngã ba Đại Hiệp (QL14B- ĐT609B), ngã ba Cẩm Lý (ĐT609- ĐT 605), ngã ba Tứ Câu (QLlA- ĐT603), ngã tư Điện Ngọc (ĐT603- ĐT607) và ngã ba Vòm (Thu Bồn- Vĩnh Điện), giao cho các địa phương quản lý…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam xác định giảm còn không quá 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn và mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi.

Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng, UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, Quảng Nam là địa bàn rộng, tài nguyên khoáng sản nhiều... chính vì vậy, công tác kiểm tra khoáng sản có nhiều khó khăn.

Ông Thanh đề nghị với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các bến bãi. Đối với các bến bãi hết phép phải dừng hoạt động, trường hợp để xảy ra sai phạm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

“Muốn giải quyết được vấn đề khai thác bất hợp pháp, trước hết chúng ta phải điều chỉnh tất cả các hoạt động hợp pháp. Trách nhiệm của các chủ mỏ, chủ bến bãi phải không ngừng được nâng cao. Anh đã được nhà nước tạo điều kiện hoạt động rồi thì anh phải có trách nhiệm với tàu thuyền anh ký hợp đồng, trách nhiệm với các chủ phương tiện xe ô tô ký hợp đồng vận chuyển, có trách nhiệm với cộng đồng địa phương nơi hoạt động. Ngoài trách nhiệm pháp luật thì đó cũng còn là trách nhiệm của lương tâm”, ông Thanh phát biểu.

C.Bính