1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Giá cả tạo áp lực cho cả người thu nhập trên trung bình”

(Dân trí) - “Giá cả tạo áp lực không chỉ với người thu nhập thấp mà kể cả người thu nhập trung bình hoặc hơn một chút... Các cụ nhà tôi hưởng lương hưu và hàng tháng tôi phải dành một phần để hỗ trợ”, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai chia sẻ.

Thưa bà, giá cả liên tục là vấn đề thời sự trong những tháng vừa qua. Bà đánh giá thế nào về những tác động từ giá cả với đời sống của người dân?

Tác động giá cả với đời sống là rất rõ ràng và diễn ra hàng ngày. Tôi xin nói, đây cũng là mối quan tâm trong nhiều lần làm việc giữa Chính phủ và Quốc hội.

Dự báo được tình hình lạm phát tăng cao ngay từ đầu năm nên Chính phủ đã bàn và ra Nghị quyết 11 trong đó có chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá. Mục tiêu mình đặt ra rất rõ ràng, ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo tăng trưởng kinh tế để làm sao kiềm chế lạm phát, giảm áp lực xuống người dân đặc biệt là người thu nhập thấp.

Tất nhiên trong điều kiện khó khăn như  thế này, tác động của giá cả thế giới và của bản thân nội tại đất nước chúng ta thì dù cố gắng kiềm chế cũng chỉ đạt ở mức độ nào đó thôi và như chỉ tiêu lần này trình ra Quốc hội là 15  -17%. Tôi nghĩ với mức CPI như thế thì năm nay đời sống người dân sẽ khó khăn.

Đứng ở bộ máy nhà nước thì năm nay cũng đã ban hành một số chính sách, ví dụ chính sách chuẩn mới về nghèo. Thay vì tỉ lệ nghèo 10% của năm trước, năm nay đã có 13% người nghèo, trong khi cận nghèo cũng tăng lên. Vì vậy chính sách nghèo, cận nghèo của chúng ta mở rộng hơn đối tượng.

Thêm nữa, Chính phủ có chính sách hỗ trợ giá điện, đặc biệt quyết định lộ trình tiền lương đi sớm hơn một năm với các khu vực doanh nghiệp. Lẽ ra 2012 chúng ta mới hoàn thành toàn bộ lộ trình tiền lương chung một mặt bằng, nhưng năm nay Chính phủ đã quyết định chung một mặt bằng lương không chia ra FBI, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.

Tuy nhiên, CPI vẫn ở mức cao nên không thể nào tránh khỏi khó khăn cho một số người dân.

Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp với mức thu nhập khá thấp đang phải hứng nhiều tác động từ giá cả và các con số thống kê cho thấy, số cuộc đình công của năm nay cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Cần có những tác động gì tới khu vực này, thưa bà?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng và bản thân chúng ta thấy, trên thực tế họ đã khó khăn. Một thu nhập như thế thì dù năm nay có tăng mức lương tối thiểu lên, hoà chung lương 3 khu vực thành một mức chung, họ cũng còn khó khăn.
 
“Giá cả tạo áp lực cho cả người thu nhập trên trung bình” - 1
Bà Trương Thị Mai: "Việc tăng giá có thể thấy hằng ngày" (Ảnh: Việt Hưng)

Nguyên nhân của đình công hiện nay đa phần xuất phát từ lương thấp, do vậy chúng ta cần cố gắng quan tâm tới khu vực này và  có một chính sách tác động cho tốt hơn. Ví dụ, kì họp này sẽ trình ra chính sách miễn giảm thuế cho nhà trọ, một số nơi giữ trẻ thì cũng chính là hỗ trợ cho người lao động.

Việc tăng lương như đề xuất thì nhanh nhất tháng 10 mới có thể thực hiện được trong khi thực tại nhiều người lao động đang rất khó khăn?

Đó là thực tế chúng ta chưa thể vượt qua được bởi vì doanh nghiệp họ phải chuẩn bị để thực hiện việc tăng lương. Lương về trước một năm doanh nghiệp cũng khó khăn, nhưng vì gánh nặng của CPI họ phải chia sẻ với nhà nước trong việc này và cái chính họ cũng phải giữ người lao động.

Doanh nghiệp phải cố để đáp ứng lộ trình đi trước, vì vậy cũng phải ở thời điểm họ có thể chuẩn bị được, đặc biệt doanh nghiệp vài ngàn lao động trở lên.

Bộ Lao động mới đây đề xuất mức lương mới cho khối doanh nghiệp, trong đó mức lương cho các vùng từ 1,4 - 1,9 triệu/tháng, nhưng có những ý kiến từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cần tăng cao hơn. Theo bà thì sao?

Thực ra bây giờ mức đề xuất đó so với giá cả thì rất khó để đáp ứng được cuộc sống, nhưng mức lên bao nhiêu thì tôi nghĩ các cơ quan Chính phủ phải nghiên cứu cho kỹ.

Tôi nghĩ, sau này mức lương phải được điều chỉnh bằng cơ chế thị trường và lương cũng phải để thoả thuận giữa doanh nghiệp với người lao động. UB chúng tôi sẽ thẩm tra Bộ Luật Lao động sửa đổi sau này và chúng tôi đang hướng đến việc trên.

Nhà nước chỉ quy định lương tối thiểu cho một số ngành mà có khả năng người lao động bị rủi ro, bị yếu thế và cần sự bảo vệ, còn lại chúng ta để cơ chế thị trường điều chỉnh. Những ngành mà thu nhập cao lương tối thiểu nhà nước quy định cũng không mang lại giá trị lớn lắm.

Khi công bố lương tối thiểu cho những ngành người  lao động có khả năng rủi ro, người lao động yếu thế chúng ta nghiên cứu rất kỹ để công bố và để bảo vệ cho người lao động.

Mức lương bao nhiêu, như thế nào có lẽ phải đi tiếp một lộ trình nữa để nghiên cứu và hàng năm công bố.

Tôi nghĩ việc công bố hàng năm như hiện nay chúng ta vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ, cứ năm sau cao hơn năm trước, theo một lộ trình. Còn nghiên cứu mức sống trung bình, mức sống tối thiểu thì tôi nghĩ đây là bài toán mà các cơ quan nhà nước phải tiếp tục chuẩn bị.

Sau này, mức lương tối thiểu, mức sống trung bình làm cái chủ để đưa ra các mức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hộ, trợ cấp xã hội, bảo trợ xã hội.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, vợ ông đi chợ về cũng kêu tốn. Vậy còn bà thì sao?

Tôi chắc cũng không khác gì ý kiến của vợ Bộ trưởng Ninh. Việc này hàng ngày có thể thấy được từ thực tế. Giá cả tăng hàng ngày và tôi nghĩ, đó là áp lực không chỉ với người thu nhập thấp mà kể cả người thu nhập trung bình hoặc hơn một chút. Những gia đình cán bộ công chức có hai người con cũng chịu áp lực, chứ không phải dễ dàng gì.  

Bản thân gia đình tôi, các cụ hưởng lương hưu và hàng tháng tôi phải dành một phần để hỗ trợ.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường (thực hiện)