1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ghi nhận rõ hơn các hình thức dân chủ trực tiếp

Nên chăng để dân bỏ phiếu phúc quyết cho bản HP sửa đổi để đảm bảo HP có hiệu lực tối cao?

Việc ghi nhận hình thức dân chủ trực tiếp (Điều 6) vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 được xem là một điểm mới, tiến bộ; thể hiện cụ thể nguyên tắc dân chủ của nhà nước ta.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nội dung này còn nặng lý luận, chưa rõ ràng và không đầy đủ. PV đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Đăng Dung - khoa Luật ĐHQG Hà Nội - xung quanh vấn đề này.

 

GS-TS Nguyễn Đăng Dung nói: “Bước đầu ghi nhận hình thức dân chủ trực tiếp vào HP là rất tốt. Hành trình của một chế độ dân chủ nào cũng đều phải đi đến chỗ như thế; tốt nhất là người dân trực tiếp thực hiện quyền lực thuộc về mình. Nhưng để đi đến thực hiện điều này là không phải dễ”.

 
GS.TS Nguyễn Đăng Dung
GS.TS Nguyễn Đăng Dung
 

Dân chủ trực tiếp: Rất khó thực hiện

 

Thưa GS, Điều 6 dự thảo ghi là “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện…”. Vậy hình thức dân trực tiếp ở đây được hiểu như thế nào?

 

Hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp được hiểu là bản thân người dân quyết định điều gì đó liên quan trực tiếp đến quyền lực nhà nước (vốn thuộc về nhân dân). Chẳng hạn như bỏ phiếu để tách, nhập địa phương này vào địa phương kia; hay như việc bỏ phiếu thông qua bản HP của quốc gia được xem như hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp cao nhất…

 

Có thể nói, dân chủ trực tiếp là nguyện vọng tha thiết của nhân loại từ rất lâu đời rồi; nó là ý nguyện của mọi người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nó rất khó thực hiện, ngay cả những quốc gia có nền dân chủ tiến bộ cũng chỉ thực hiện được một phần, ở các cấp nhỏ thôi.

 

Cụ thể khó thực hiện ra sao, thưa GS?

 

Như đã nói, cái gì liên quan trực tiếp đến dân thì họ bỏ phiếu quyết định là tốt. Nhìn vào ta thấy việc dân bỏ phiếu là động tác rất đơn giản nhưng để tiến tới việc bỏ phiếu đúng nghĩa thì phải có cả một quá trình để thực hiện: Phải có người tổ chức, điều hành, lập phiếu, tổ chức bỏ phiếu, giám sát bỏ phiếu, kiểm phiếu… Những điều này người dân không thể làm được. Cùng đó là công tác tuyên truyền, giáo dục, phải có sự hướng dẫn dư luận chứ không phải đưa ra bỏ phiếu được ngay…

 

GS.TS Nguyễn Đăng Dung
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân đang góp ý dự thảo sửa đổi HP 1992 tại hội nghị do Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với tạp chí Nghiên cứu lập pháp tổ chức mới đây. 

 

Vậy kinh nghiệm của các nước về việc này thế nào?

 

Nhiều nước thành lập cơ quan riêng để thực hiện việc này, kiểu như vị trí Ủy ban Bầu cử trong dự thảo lần này. Cơ quan đó phải độc lập với các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

Nếu không có cơ quan này thì việc tiến hành bỏ phiếu biểu quyết trực tiếp từ nhân dân về một vấn đề nào đó phải nhờ hệ thống cơ quan ở nhánh hành pháp. Tuy nhiên, vấn đề giám sát bỏ phiếu và kiểm phiếu như thế nào cho thực chất cũng không phải dễ.

 

Bầu, bãi miễn đại biểu: không phải dân chủ trực tiếp

 

Dự thảo sửa đổi HP lần này tiếp tục ghi nhận cử tri có quyền bãi miễn đại biểu QH, HĐND khi họ không còn xứng đáng. Điều này có được hiểu là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân hay không?

 

Việc bỏ phiếu bầu ra một người thay mặt mình để giải quyết công việc nhà nước cũng như bãi miễn họ khi không còn xứng đáng thuộc hình thức dân chủ đại diện, chẳng hạn bầu ra tổng thống Mỹ cũng là hình thức dân chủ đại diện. Có người nhầm lẫn đây là dân chủ trực tiếp. Việc người dân nước nào đó bỏ phiếu quyết định thông qua bản HP nước họ mới là dân chủ trực tiếp.

 

Như ông nói thì việc người dân bỏ phiếu thông qua bản HP được xem là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp cao nhất. Khi góp ý HP, nhiều ý kiến cũng đề xuất nên để nhân dân phúc quyết HP sửa đổi lần này. Ý kiến GS thế nào?

 

Tôi cũng nghĩ lần này nên chăng là để dân bỏ phiếu phúc quyết cho bản HP sửa đổi. Nội dung này HP 1946 đã ghi nhận và cho đến nay ta cũng chưa lần nào thực hiện. Điều này có ý nghĩa làm cho HP có hiệu lực tối cao, tất cả quyền lực khác (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều phụ thuộc, tuân thủ HP… Tuy nhiên, thực hiện điều này rất khó, đòi hỏi cần có quyết tâm rất cao.

 

Xin cảm ơn GS.

 

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và cơ quan khác của Nhà nước.

 

(Điều 6 Dự thảo sửa đổi HP 1992)

 

Nặng lý luận và chưa rõ ràng

 

Ghi nhận hình thức dân chủ trực tiếp và đưa trước cả hình thức dân chủ đại diện ở Điều 6 của Dự thảo sửa đổi HP 1992 lần này là một điểm mới, tiến bộ. Các HP 1959, 1980 và HP 1992 hiện hành chưa quy định nội dung này. Tuy nhiên, quy định này chỉ là bước đầu, vì nó không chỉ rõ cụ thể cơ chế thực hiện và thực hiện ở những việc gì. Ở HP các nước ghi điều này rất cụ thể. Lấy ví dụ HP Liên bang Nga (khoản 3 Điều 3) ghi rất cụ thể hình thức thực hiện chủ quyền trực tiếp và cao nhất của nhân dân là trưng cầu dân ý.

 

Cần nhớ rằng HP 1946 cũng không có quy định mang tính lý luận này nhưng hình thức dân chủ trực tiếp lại được thể hiện mạnh mẽ tại các điều 21, 32 và 70 về quyền phúc quyết, các vấn đề đưa dân phúc quyết; khẳng định Nghị viện sẽ ban hành luật về phúc quyết của nhân dân, trình tự Nghị viện đưa vấn đề ra nhân dân phúc quyết và việc sửa đổi HP phải được nhân dân phúc quyết. Thế mới rõ ràng, chắc chắn. Còn ghi như Điều 6 dự thảo lần này là nặng lý luận, chưa rõ ràng và không đủ.

 

Tôi đề nghị viết lại như sau: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp bằng biểu quyết toàn dân hoặc thông qua những đại diện do dâu bầu”. Như vậy ngắn gọn hơn nhưng lại rõ, thiết thực, mạnh và đầy đủ.

 

PGS-TS luật học Nguyễn Cửu Việt

 

Theo Minh Cường

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm