1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

GDP làm nóng diễn đàn Quốc hội

GDP năm 2006 sẽ là 8 hay 8,5%, tỷ lệ lạm phát là bao nhiêu hay chỉ quy định dưới mức tăng GDP... là những vấn đề kinh tế vĩ mô gây tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua.

Trong 2 ngày thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ 2005 và phương hướng nhiệm vụ 2006, 70 đại biểu đã đóng góp ý kiến. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đánh giá đây là con số kỷ lục. Có rất nhiều vấn đề được tập trung thảo luận, trong đó nóng hổi là tốc độ tăng trưởng.

 

GDP là 8% hay hơn nữa?

 

Đại biểu Trương Văn Sáu cho rằng năm 2005 hạn hán diễn ra gay gắt, bão lũ ở nhiều nơi, dịch cúm gia cầm tái phát, giá xăng dầu leo thang, nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dự kiến 8,4%. "Năm 2006 không có lý do gì chúng ta phấn đấu đạt mức thấp hơn. Phải phấn đấu năm 2006 mức tăng trưởng GDP đạt từ 8,5% trở lên, như thế mới tương xứng với tiềm năng của đất nước", ông Sáu nhận định.

 

Đồng quan điểm với ông Sáu, đại biểu Trần Hồng Việt cho rằng GDP năm 2006 ít nhất phải bằng năm 2005. "Hiện nay còn sức, ta phải cố gắng tối đa năm 2006 đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 8%, từ 2007 nếu có dấu hiệu nóng thì chúng ta giảm, như vậy ta vẫn trong thế chủ động", ông Việt nói.

 

Trái hẳn với ý kiến trên, đại biểu Trịnh Thị Nga cho rằng phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Nền kinh tế của Việt Nam có tăng trưởng, nhưng chưa bền vững, thu ngân sách chủ yếu dựa vào dầu thô, trong khi giá dầu do thị trường thế giới quyết định. "Tình hình trên nếu không được kiểm soát và xử lý kịp thời, chỉ số tăng trưởng có thể sẽ giảm mạnh, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế", bà Nga chốt lại.

 

 

Cũng trong tâm trạng lo lắng trước việc tăng trưởng kinh tế không ổn định, đại biểu Trần Hữu Hậu phân tích: "Tăng trưởng của chúng ta chủ yếu dựa vào đầu tư của khu vực nhà nước (chiếm đến 48,1%). Mà đầu tư vào khu vực này lại kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí lớn. Vì thế, tôi đồng tình mức tăng trưởng GDP 8%, đây không phải là sự thụt lùi, mà là hợp lý, không gây nóng".

 

Lạm phát bao nhiêu là hợp lý?

 

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho rằng Chính phủ nên đưa ra tỷ lệ lạm phát chính xác, không nói chung chung là "thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế". Rất đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cần phải định lượng được những mục tiêu để dễ thực thi và cử tri mới có cơ sở để giám sát.

 

"Báo cáo của Chính phủ lập luận khá xác đáng, nhưng mới là những hệ thống quan điểm mang tính lý thuyết, chưa tạo được lòng tin về tính khả thi. Thí dụ để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đưa ra giải pháp kiềm chế lạm phát. Điều đó quá đúng, nhưng phấn đấu kiềm chế lạm phát đến mức nào thì không thấy định lượng", ông Quốc đặt vấn đề.

 

Trước bức xúc của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý giãi bày cái khó của các nhà điều hành kinh tế vĩ mô. Khi lạm phát tăng cao, "võ" duy nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất chỉ đạo của ngân hàng trung ương.

 

Nhưng mặt trái của nó có thể dẫn đến làm giảm tốc độ tăng trưởng, gây khó khăn cho phát triển kinh tế nói chung. "Tăng trưởng nóng thì dẫn đến lạm phát tăng cao và như vậy sẽ không bền vững. Tôi cho rằng một nền kinh tế phát triển bền vững thì lạm pháp duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng 1-2%. Chẳng hạn GDP năm 2006 là 8% thì lạm phát 6-7%. Dự tính toán của chúng tôi lạm phát ở khoảng 6%, còn của ADB dự báo 5,7%", ông Thuý nói.

 

Theo Như Trang

VnExpress