1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người Việt Nam duy nhất trên chiếc mảng vượt Thái Bình Dương

(Dân trí) - Là người Việt Nam duy nhất có mặt trên chiếc mảng cùng nhóm thám hiểm người nước ngoài vượt Thái Bình Dương hơn 20 năm trước, ông Lợi vẫn nhớ như in hành trình 6 tháng vượt biển đầy hiểm nguy và tự hào đó.

Ông là Lường Viết Lợi (sinh năm 1959), ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trước lúc gặp ông, hình dung trong đầu tôi đây phải là một người đàn ông vạm vỡ, lực lưỡng. Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ ban đầu đó, khi gặp tôi mới ngỡ ngàng thấy ông có một dáng người hao gầy.

Chiếc mảng nhỏ được đóng thử nghiệm.
Chiếc mảng nhỏ được đóng thử nghiệm.

Căn nhà gia đình ông đang sinh sống chật chội và bề bộn. Trên bức tường xây chưa được vôi ve là những bức hình ông chụp kỷ niệm về những ngày tham gia làm mảng và cả những bức hình trên chuyến đi vượt Thái Bình Dương đầy tự hào.

Ông Lợi nhớ lại, năm 1991, được phép của Bộ Văn hóa khi đó, một nhóm các nhà thám hiểm, đứng đầu là nhà văn, nhà du lịch, nhà thám hiểm Tim Severin người Ireland đã đến Sầm Sơn tìm hiểu về nghề đi biển bằng bè mảng tại đây.

Đoàn đã lên rừng, xuống biển nghiên cứu, tìm hiểu và kết luận, Sầm Sơn là nơi thích hợp để làm bè mảng, hơn nữa, Thanh Hóa là địa phương có nguyên liệu cây luồng đứng đầu cả nước rất phù hợp với việc này.

Sau khi thử nghiệm đã thành công, mảng được đưa lên bờ.
Sau khi thử nghiệm đã thành công, mảng được đưa lên bờ.

Đến năm 1992, đoàn bắt tay vào công việc đóng mảng thí điểm. Chiếc mảng thí điểm sau khi hoàn thành đã được chạy thử nghiệm sức chịu đựng với sóng gió. Sau khi đã chạy thử nghiệm thành công, nhóm thám hiểm bắt tay vào “dự án” làm mảng vượt Thái Bình Dương. Và ông Lợi được nhà thám hiểm Tim Severin mời tham gia đóng mảng vượt Thái Bình Dương.

Tháng 9/1992, mọi người bắt tay vào làm chiếc mảng chính. Khoảng 500 cây luồng với hơn 40 người thợ làm ngày đêm. Từ những cây luồng, qua bàn tay của người thợ và được kết nối với nhau bằng những sợi dây mây đã dần hình thành một chiếc mảng “khổng lồ”. Ông Lợi cho biết, có khoảng 100km dây mây đã được dùng để làm mảng.

Sau 6 tháng tích cực làm, đến tháng 3/1993 chiếc mảng đã được hoàn thành. Thiết kế mảng có kích thước dài 20 m, rộng 6 m, cao gần 1 m với 4 lớp luồng và cứ một lớp luồng có một lớp gỗ, được buộc bằng hàng ngàn mối lạt mây. Riêng những cánh buồm được đóng Quảng Ninh. Điều đặc biệt là chiếc mảng không dùng một chiếc đinh sắt hay dây nilon nào.

Đến ngày 16/3/1993, mảng được làm lễ hạ thủy tại đền Độc Cước, thị xã Sầm Sơn với sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Sau khi làm lễ hạ thủy, chiếc mảng được một con tàu khác kéo ra Quảng Ninh để lắp buồm. Từ Quảng Ninh, tháng 4/1993, mảng được đưa lên tàu chở sang Hồng Kông. Đến tháng 5/1993, chiếc mảng mang hai quốc kỳ là Việt Nam và Ireland, cùng các nhà thám hiểm bắt đầu khởi hành từ Hồng Kông.

Ông Lường Văn Lợi chỉ những bức hình lưu lại quá trình từ khi làm mảng đến lúc vượt biển.
Ông Lường Văn Lợi chỉ những bức hình lưu lại quá trình từ khi làm mảng đến lúc vượt biển.

Chiếc mảng chính trên hành trình vượt Thái Bình Dương.
Chiếc mảng chính trên hành trình vượt Thái Bình Dương.

Đã hơn 20 năm trôi qua, chuyến vượt Thái Bình Dương vẫn in sâu vào tâm trí ông Lợi. Với ông, đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân mà của người dân Sầm Sơn nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung, bởi ông là người Việt Nam duy nhất đi cùng đoàn. Tham gia đoàn thám hiểm gồm 5 người, ông Tim là thuyền trưởng.

Ông Lợi hồi tượng lại, khi mảng bắt đầu từ Hồng Kông đến Đài Loan, gặp trận bão đầu tiên, bị gãy cột buồm, gió quẩn, không sao vào Đài Loan được nên buộc phải vào Nhật Bản. Sau khi ở lại Nhật Bản sửa cánh buồm và một số chỗ, đoàn lại lên đường băng ngang Thái Bình Dương, hướng tới vùng biển San Francisco miền Tây nước Mỹ.

Không chỉ là người thợ quan trọng trong quá trình làm mảng, mà trên suốt chặng đường vượt Thái Bình Dương, ông Lợi được xem như một người thợ kỹ thuật đảm nhiệm công tác an toàn cho chiếc mảng. “Hôm nào đỡ gió, tôi phải ra ngoài ngụp lặn xuống kiểm tra. Bây giờ cũng qua rồi, số tôi cũng chưa chết”, ông Lợi nhớ lại.

Chiếc mảng chính trên hành trình vượt Thái Bình Dương.
Chiếc mảng được làm từ những cây luồng và kết nối với nhau bằng dây mây nhưng đã chịu đựng với sóng biển suốt hàng nghìn hải lý.

Trên chuyến hành trình đó, ông Lợi cùng đoàn đã trải qua bao sóng gió, hiểm nguy và cả cướp biển. Và chuyến đi này đã được nhà thám hiểm Tim Severin ghi lại chi tiết trong cuốn sách “Hành trình băng ngang Thái Bình Dương bằng tre luồng”.

“Trên hành trình vượt Thái Bình Dương, chúng tôi đã gặp 4 trận bão, 2 lần suýt đụng tàu lớn và một lần gặp hải tặc. Theo phân công thì mỗi đêm một người trực hai tiếng, tôi nhớ hôm đó là giờ của tôi trực, nhưng Tim bảo để ông ấy trực cho. Do mảng chúng tôi không có điện, không có sắt thép nên tàu đi ngược chiều không thể phát hiện, khi kịp phát hiện thì nó đã ở gần rồi. Khi đó, mọi người tỉnh dậy bật toàn bộ điện, và tôi liền chạy lại nhấc tay lái cho mảng chệch sang một bên sườn của con tàu đang lao tới, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Lợi nhớ lại.

Thực phẩm chuẩn bị cho nhóm thám hiểm ngoài đồ hộp, anh em trong nhóm thám hiểm thường dùng cung để bắn cá, săn cá mập, cá voi... Mảng được trang bị các thiết bị cứu sinh và liên lạc hiện đại, hệ thống điện năng lượng mặt trời và pin. Trong căn lều đơn sơ trên bè mảng, hàng ngày ông Tim chịu trách nhiệm liên lạc về đất liền qua vệ tinh và cập nhật thông tin về thời tiết.

Khi chiếc mảng còn cách bờ biển bang California, Mỹ khoảng 1.000 hải lý, nghe tin sắp có bão lớn và một số cây luồng đã bị tuột khỏi các nút thì cả đoàn buộc phải rời mảng lên tàu trở về Tokyo kết thúc chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương với hơn 5.000 hải lý. “Theo kinh nghiệm của tôi, chiếc mảng vẫn còn đi tốt, nhưng bên Nhật gọi điện sang đưa toàn bộ người lên tàu khác về, còn để lại mảng”, ông Lợi khẳng định.

Chỉ từ những cây luồng và những sợi dây mây, qua bàn tay của những người thợ thủ công mà chiếc mảng đã chịu đựng với sóng gió, giông bão suốt 6 tháng trời và cũng là minh chứng cho sức mạnh của con người có thể chinh phục Thái Bình Dương dù chỉ bằng phương tiện thô sơ.

Người Việt Nam nhỏ nhưng gan không nhỏ, đầu càng không nhỏ.
"Người Việt Nam nhỏ nhưng gan không nhỏ, đầu càng không nhỏ".

Là một ngư dân vùng ven biển, chưa được đi ra ngoài nhiều, hơn nữa lại đi trong nhóm toàn người nước ngoài, nhưng ông Lợi tự hào khi nói về việc giao tiếp trên hành trình vượt Thái Bình Dương: “Trong chuyến đi, một người phải dạy tiếng Anh cho tôi và tôi dạy tiếng Việt cho họ. Chỉ khoảng một tháng sau, tôi không cần dùng sách, không cần ghi ra giấy nữa mà có thể giao tiếp với mọi người”.

Trở về sau chuyến đi, ông Lợi đi học tiếng Nhật và làm phiên dịch trong một số công ty liên doanh với Nhật Bản đến năm 2008 thì về nghỉ. “Tôi rất vinh dự là người Việt Nam duy nhất đi trên chiếc mảng, người Việt Nam tuy nhỏ nhưng gan không nhỏ và đầu càng không nhỏ”, ông Lợi tự hào chia sẻ.

Duy Tuyên