1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp người chiếm Đài phát thanh ngụy quyền tại Cần Thơ năm xưa

(Dân trí) - Những ngày tháng 4 lịch sử, ông Năm Bình bồi hồi nhớ lại những ngày tháng oanh liệt cách đây 35 năm, khi ông và đồng đội chiếm đài Phát thanh ngụy quyền, tuyên bố giải phóng Cần Thơ - căn cứ quan trọng cuối cùng của ngụy ở vùng 4 chiến thuật.

Năm Bình là bí danh và đã trở thành tên gọi thân thiết của người chiến sĩ Nguyễn Văn Lưu. Gặp ông trong một buổi chiều cuối tháng 4, trên bàn viết của ông, sách vở và tư liệu lịch sử nằm ngổn ngang. Ông cười hiền khoe: “Tuy đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn minh mẫn, nhớ như in những câu chuyện, những đồng đội mất còn cách đây 35 năm cùng tôi chiến đấu”.
 
Gặp người chiếm Đài phát thanh ngụy quyền tại Cần Thơ năm xưa  - 1
Người lính Nguyễn Văn Lưu (ngồi) thay mặt UB khởi nghĩa Cần Thơ đọc lời kêu gọi lúc 15 giờ ngày 30/4/1975 tại Đài phát thanh Cần Thơ. (ảnh tư liệu)

 

Giọng nói trầm ấm, rõ ràng, ông kể về chiến công cướp đài phát thanh của ngụy quyền, giải phóng Cần Thơ oanh liệt của mình.

 

“Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tại thành phố Cần Thơ, sĩ quan, nha cảnh sát Hậu Giang bỏ trốn, tôi gặp bác sĩ Lê Văn Thuấn, cơ sở công khai của ta đang giữ chức Tổng thư ký Hội Hồng Thập tự tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) đề nghị lực lượng gác khám thả tù chính trị ở khám lớn và trại giam của nha cảnh sát Hậu Giang, hai nơi này thả ra gần 6.000 người. Đến 12 giờ, tổ nội tuyến của ta ở trung tâm nhập ngũ số 4 (của vùng 4 chiến thuật) mở cửa thả 5.000 tân binh và đào binh.

 

Hơn 11.000 tù nhân được thả, tỏa khắp thành phố hô khẩu hiệu hoan nghênh cách mạng, kết hợp với quần chúng mang theo cờ nổi dậy làm náo loạn thành phố”.

 

11 giờ 30, đại đội cảnh sát dã chiến thuộc tiểu đoàn 410 Đầu Sấu bỏ chạy, 3 cơ sở trong phòng vệ dân sự thu 60 súng trao cho cách mạng, 2 phòng vệ ở đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân) gom 30 súng giao cho lực lượng khởi nghĩa cùng lúc đó, một toán phòng vệ dân sự cũng giao 20 súng cho quần chúng nổi dậy. Để cổ vũ phong trào quần chúng nổi dậy đồng thời giữ an ninh trật tự thành phố, Ban khởi nghĩa gồm 12 người do ông Năm Bình dẫn đầu đi chiếm Đài phát thanh.

 

“Khi vào Đài phát thanh, lực lượng của ta nhanh chóng hạ cờ 3 sọc, treo cờ Chính phủ cách mạng lâm thời lên, đồng thời phân phát truyền đơn cho đồng bào tụ tập chung quanh. Tôi và 2 chiến sĩ vào văn phòng gặp quản đốc đài. Hắn nói: “Đài này do tướng vùng (tức tướng Nguyễn Khoa Nam) tư lệnh vùng 4 chiến thuật quản lý, chưa có lệnh của tướng vùng tôi không dám giao…”. Tôi cười gằn: Tướng vùng của anh đâu còn nữa, đã trốn mất rồi! (thực ra Nguyễn Khoa Nam khi đó vẫn còn tại tư dinh)”

 

Trước áp lực của quần chúng cách mạng và những lời đanh thép và động viên thuyết phục, viên quản đốc phải chấp nhận để ông Nguyễn Văn Lưu đọc lời tuyên bố giải phóng Cần Thơ trên Đài phát thanh.“Viên quản đốc tỏ ra “biết điều” đã cẩn thận mở máy ghi âm thu thanh và mở lại băng cho tôi kiểm tra trước khi lên sóng. Lúc đó là 15 giờ (giờ Sài Gòn - sớm hơn giờ Hà Nội 1 giờ)”.
 
Gặp người chiếm Đài phát thanh ngụy quyền tại Cần Thơ năm xưa  - 2
Ông Nguyễn Văn Lưu bây giờ (ảnh Phạm Tâm)

 

Lời tuyên bố được phát đi phát lại trên Đài Phát thanh phủ sóng khắp vùng Tây Nam bộ đã cổ vũ đồng bào nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Tại bản doanh Bộ chỉ huy tiền phương Tây nam, Đài phát thanh phát đi bản cho bọn địch đang phòng thủ Vòng Cung biết: Ở Sài Gòn Dương Văn Minh đã đầu hàng, thành phố Cần Thơ đã được giải phóng. Toàn bộ quân địch phải buông súng đầu hàng! Nếu không, sẽ bị tiêu diệt!

 

Pháo binh của ta tiến công mãnh liệt vào chi khu Phong Điền, các cánh quân khác cũng tiến công dồn dập các đơn vị địch. 17 giờ ngày 30/4 toàn bộ quân địch ở Vòng Cung đầu hàng! Các trung đoàn của sư đoàn 4 của ta giải giáp sư đoàn 21 của địch, trung đoàn 11 (sư đoàn 7 của địch), trung đoàn bảo an tỉnh Phong Dinh, 2 thiết đoàn và 1 chi đội xe nồi đồng.18 giờ ta tiếp quản sân bay Trà Nóc. 19 giờ 30/4, Cần Thơ hoàn toàn được giải phóng.

 

Ông Năm Bình tức Nguyễn Văn Lưu, sinh năm 1923 tại xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, tham gia cách mạng từ tháng 3/1945. Chỉ huy khởi nghĩa nội thành Cần Thơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trưởng đoàn khởi nghĩa đi chiếm đài phát thanh; nguyên ủy viên thường vụ ĐCSN Thành phố Cần Thơ, nguyên ủy viên Thường vụ tỉnh Hậu Giang, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nguyên ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cần Thơ. 

 

Phạm Tâm