1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An

Gặp người anh hùng lái xe trên dãy Trường Sơn

(Dân trí) - Sau 2 lần bị thương, sau hàng trăm nghìn km lái xe an toàn cùng với việc vận tải hàng đạt khối lượng xuất sắc, lái xe Đoàn Minh Nguyệt được phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Hết chiến trận, người lính năm xưa lại lập kỳ tích trên mặt trận chống đói nghèo.

Cựu lái xe Trường Sơn Đoàn Minh Nguyệt
Cựu lái xe Trường Sơn Đoàn Minh Nguyệt

Bước sang cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cựu chiến binh lái xe Trường Sơn Đoàn Minh Nguyệt (SN 1932, trú xóm 22, xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Gian phòng khách nhà ông rộng rãi treo đầy bằng khen, giấy khen, huân, huy chương của Đảng, Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam và nước bạn Lào. Những ngày bám đường Trường Sơn vận chuyển hàng hóa, tài liệu mật cứ hiện về trong từng câu chuyện kể của ông.

Đoàn Minh Nguyệt quê ở Kim Động, Hưng Yê. Những tưởng anh thanh niên Đoàn Minh Nguyệt đã yên phận với công việc của một công nhân viên của Viện thiết kế thủy lợi nhưng năm 1963, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ngày càng ác liệt, anh khai hạ tuổi để đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Sau một thời gian biên chế vào Trung đoàn 36, sư đoàn 308 pháo cao xạ, năm 1965, Đoàn Minh Nguyệt chuyển công tác sang Cục hậu cần Quân khu 4 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn Miền Nam thông qua nước bạn Lào.

Cung đường mà Đoàn Minh Nguyệt đảm nhận là từ ngã ba Khe Ve (Quảng Bình) qua Khăm Muộn - Xavanakhet - A tô pơ (Lào) để tập kết hàng hóa trước khi được vận chuyển vào miền Nam. Đánh hơi được cung đường vận chuyển huyết mạch này, Mỹ rải thảm bom thường xuyên nhằm triệt xóa. Mùa mưa 1965, đường Tây Trường Sơn lầy lội bởi những cơn mưa rừng xối xả. Dưới đường trơn như đổ mỡ, trên máy bay Mỹ quần đảo liên hồi nhằm chặn đứng các chuyến xe tiếp tế vào Nam.

“Khi xe đang chạy qua ngầm Xuyên Phan (Xavanakhet) thì xe tôi bị trúng bom. Máu chảy từ đầu, từ vai, ngực ướt đẫm áo nhưng không biết lúc đó tôi lấy đâu ra sức lực lái xe chạy thẳng trên con đường một bên là núi cao, một bên là vực sâu và vào được trạm cấp cứu. Đến khi tỉnh dậy thì biết là xe vẫn còn, riêng tôi bị 32 mảnh bom khắp cơ thể và được chuyển về bệnh viện Quân khu 4 (đóng tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) điều trị”, ông Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được tặng danh hiệu AHLLVTND và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được tặng danh hiệu AHLLVTND và nhiều huân, huy chương cao quý khác

Sau hơn 1 tháng điều trị, dù chưa hoàn toàn bình phục nhưng nhớ xe, nhớ đường, ông xin ra viện và nhận xe đi Lào. Chuyến đi này đúng vào cao điểm mùa mưa. Sau khi giao hàng xong, nước ngập hết đường, xe bị ách phải nằm ở Khăm Muộn cả tháng trời. “Đói, đói khủng khiếp nhưng 4 anh em (2 xe một người, lái chính và lái phụ) nhất quyết không chịu bỏ xe lại. Ăn măng, rau rừng, cái đói vẫn bám riết, chúng tôi quyết định vượt lũ hơn 50 cây số về khu vực sát biên giới xin gạo tiếp tế. Số gạo xin được ăn dè xẻn trong 2 tháng trời, đợi nước rút mới về đơn vị được. Cánh lái xe là vậy, cơm có thể không có, nước không thể không uống nhưng xe thì nhất định không thể bỏ được”, ông Nguyệt nhớ lại.

Trong một chuyến chở hàng sang Lào trên tuyến đường 8, qua địa phận phà Nậm Thơn (tỉnh Bô-ly-khăm-xây), đoàn xe của ông Nguyệt lại tiếp tục trúng bom. Sức mạnh khủng khiếp của quả bom “bốc” ông từ buồng lái quật xuống bãi đá ven suối. “Không biết tôi nằm bất tỉnh ở suối bao nhiêu lâu, đến khi tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ bởi cú giằn trời giáng xuống tảng đá. May quá, xe vẫn còn. Chẳng còn biết đau là gì, tôi nhảy lên xe, phóng đi”, Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại.

Sau lần này, ông được cử đi tham dự đại hội những người chiến đấu, làm việc trên quê hương Bác Hồ. Tại đây, cô xã đội trưởng kiêm Phó Bí thư đảng ủy xã Nghi Phong (Nghi Lộc) Nguyễn Thị Tuất xinh đẹp, gan dạ, tháo vát đã hớp hồn anh lính lái xe. Tình yêu của họ được nhen nhóm qua sự cảm phục tấm gương dũng cảm chiến đấu của nhau. Sau đại hội, ông tiếp tục bám đường Trường Sơn vận chuyển lương thực, khí tài phục vụ miền Nam chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được tặng danh hiệu AHLLVTND và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác
Ông Đoàn Minh Nguyệt (hàng hai, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Nhà nước trong lần tham sự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc, tháng 7/2012

Năm 1969, ông cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu cực kỳ quan trọng cho Quân khu 5 Lào. Đến địa phận nước bạn, mưa thối đất, thối rừng, toàn bộ cầu, ngầm trên đường đều bị cuốn phăng. Lúc này, tiến thì không có đường mà quay về thì không thể, ông bàn với các anh em chặt cây rừng bắc cầu, vác đá xếp ngầm qua các dòng suối nước cuồn cuộn chảy.

“Cứ 3 cây gỗ thì bắc được cho một bánh xe chạy qua. Trong 2 tháng ròng rã vừa đi, vừa bắc cầu, chúng tôi đã bắc tới 22 chiếc cầu và ngầm để đến được tới địa điểm giao hàng. Trong khi đó, với cung đường này, thời tiết thuận lợi, chúng tôi chỉ mất có 5 ngày chạy đường là hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Nguyệt nhớ lại.

Với nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bám đường, bám xe, tháng 8/1970, anh lính lái xe Đoàn Minh Nguyệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm này, tình yêu anh lái xe và cô xã đội trưởng tiến thêm một bước mới bằng lễ cưới ấm cúng, giản dị của những ngày chiến tranh ác liệt.

Từ anh lính lái xe, cuối năm 1974, ông được phong Đại đội trưởng chỉ duy đơn vị tham gia chiến dịch Đông Xuân (1974-1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, Đoàn Minh Nguyệt tiếp tục công tác tại Cục hậu cần, Quân khu 4 cho đến năm 1983.

Nghỉ hưu, với mức lương của quân nhân thời điểm đó, ông có thể sống một cuộc sống an nhàn. Nhưng cựu lính lái xe Trường Sơn Đoàn Minh Nguyệt không bằng lòng với những gì mình đã có. Cùng với vợ và 3 người con, ông lao vào phát triển kinh tế kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Ông tấn công sang lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với gần 22.000m2 ao đầm nuôi tôm, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Với những thành tích trong chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế, tháng 7/2012, ông Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông đã có thể an hưởng tuổi già bên cạnh người bạn đời, người bạn chiến đấu của mình cùng với sự thành đạt, phương trưởng của các con, các cháu.

Hoàng Lam