1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hoá:

Gánh nợ đầm ngao

(Dân trí) - Ngao chết, người nuôi ngao ở vùng bãi ngang huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bàng hoàng vì bao công sức, vốn liếng đầu tư vốn vất vả lắm mới có được, có nguy cơ tan theo bọt biển…

Hậu Lộc là địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất tỉnh Thanh Hoá, tập trung ở ba xã: Hải lộc, Đa Lộc và Minh Lộc. Trong 5 năm trở lại đây, không năm nào không xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt. Năm 2005, ngao chết 100% khiến nhiều người nuôi ngao trắng tay, nợ nần chồng chất nhưng nguyên nhân đến giờ vẫn còn là một ẩn số. 

 
Gánh nợ đầm ngao  - 1
Người dân ở Hải Lộc vớt ngao chết bỏ đi
 

Anh Phạm Văn Quý, thôn Lộc Tiến, xã Hải Lộc, một trong những “đại gia” ngao trong vùng, vụ ngao này đầu tư tới 5 tỷ đồng. Những tưởng thắng lớn, nào ngờ ngao chuẩn bị cho thu hoạch thì lăn đùng ra chết hàng loạt, khiến anh lo đến bạc mặt.

 

Anh Quý nói: “Ngao là loài có điều kiện sống rất sạch, trong môi trường nước lợ. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm hoặc độ mặn quá cao thì ngao sẽ chết ngay. Hiện gia đình tôi có 6 ha đầm thì lượng ngao chết đã lên tới 50%, cứ đà này ngao sẽ chết sạch, không rõ nguyên nhân!”. 

 

Cũng theo anh Quý thì một hecta nuôi ngao chi phí hết khoảng 300 triệu đồng, trong đó riêng tiền ngao giống đã là 150 triệu đồng, còn lại là chi phí thuê lao động chăn nuôi, trang thiết bị phục vụ đầm ngao. Gia đình nào chăm nuôi tốt cho thu hoạch 30 tấn ngao thịt/ha, với giá bán trên thị trường khoảng 17 ngàn/kg, số lãi cũng kha khá. Năm nay, nhiều diện tích ngao chết tới 50%, gia đình anh Quý lỗ vài tỷ đồng.

 

Anh Lê Văn Dũng, thôn Y Vích, xã Hải Lộc, cũng đang “dở khóc dở cười” vì ngao. Cầm cuốn sổ nợ trên tay, anh Dũng ngao ngán với số nợ lên tới gần 300 triệu đồng. Với điều kiện sản xuất kinh tế hiện nay, anh Dũng có “ba đầu sáu tay” cũng không dám nghĩ tới việc trả hết nợ. Ngao chết hàng loạt, hơn 3,4 tỷ đồng anh đầu tư trong vụ này đang có nguy cơ tan theo bọt biển.

 

Anh Dũng cho biết: “Cứ  độ ngao chuẩn bị cho thu hoạch là lăn đùng ra chết, không hiểu lý do gì? Mấy năm trở lại đây, năm nào ngao cũng chết. Trong khi tiền đầu tư con giống, tiền thuê nhân công chúng tôi đều phải vay mượn. Lãi mẹ bồng lãi con, không biết khi nào mới có thể trả xong nợ”.
 
Gánh nợ đầm ngao  - 2
Anh Lê Văn Dũng chuẩn bị dụng cụ thắp sáng để ra đầm vớt ngao chết

 

Nhìn vào danh sách thống kê số hộ nuôi ngao đang nợ các ngân hàng mà không khỏi giật mình khi toàn xã Hải Lộc có 150 hộ nuôi ngao thì toàn bộ đều là “con nợ” của các ngân hàng. Không chỉ người dân mới “nợ như chúa chổm” mà ngay cả cán bộ chính quyền địa phương cũng nợ nần không kém. Người ít thì 5-7 chục triệu, nhiều lên tới hàng trăm triệu đồng. Đến nay nhiều hộ gia đình không còn khả năng trả nợ cho các ngân hàng.

 

Ông Lê Ngọc Sự - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc - cho biết: “Ngao chết là do mật độ bà con nuôi thả quá dầy, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng phát triển của ngao. Theo tiêu chuẩn, mật độ nuôi thả trung bình khoảng 15 tấn/ha và thả theo từng đợt. Hầu hết, vì điều kiện kinh tế nên bà con nuôi thả không đúng qui trình và mật độ. Có khu vực chúng tôi khảo sát được mật độ bà con nuôi thả lên tới 30 tấn/ha. Hiện nay, chúng tôi đã cử cán bộ xuống cơ sở nắm lại tình hình và sẽ đề xuất với lãnh đạo huyện, tỉnh hỗ trợ về kinh tế cho bà con bị thiệt hại”.

 

Thiên Trường - Văn Tuấn