1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gần 600 người nơm nớp sống cùng nỗi lo bị vùi lấp

Thái Bá

(Dân trí) - Mỗi khi trời đổ mưa lớn, hơn 100 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở Hòa Bình lại mất ăn mất ngủ, nơm nớp lo đất đá từ ngọn đồi phía sau nhà sạt lở và ập xuống.

Tình trạng người dân phải sống chung với nỗi lo sạt lở đồi núi ngay cạnh nhà diễn ra từ nhiều năm nay tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Gần 600 người nơm nớp sống cùng nỗi lo bị vùi lấp - 1

Người dân xóm Rổng Vòng ở Hòa Bình sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo sạt lở đất nhiều năm qua (Ảnh: Trần Trọng).

Ông Nguyễn Quang Nẵm, nhà ngay sát chân đồi Lủ Thao, xóm Vòng cho biết, từ năm 2015, khu đồi Lủ Thao bắt đầu xuất hiện các vết nứt dài 30m, rộng hơn 0,5m, nằm ở lưng chừng đồi với độ cao khoảng 50-60m.

Sau khi đồi Lủ Thao xuất hiện các vết nứt, tình trạng đất đá trên đồi thường xuyên lăn xuống nhà dân phía dưới. Thời gian kéo dài, nhiều tầng đất đã bị trượt xuống.

"Mỗi khi trời đổ mưa gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân trong xóm lại đứng ngồi không yên. 3 năm trở lại đây, tình trạng đất đá rơi, sạt lở từ quả đồi sau nhà diễn nhiều hơn, mật độ dày hơn. Mới năm ngoái đá lăn đầy vườn và vào tới chuồng lợn của gia đình tôi", ông Nẵm nói.

Gần 600 người nơm nớp sống cùng nỗi lo bị vùi lấp - 2

Khu đồi nứt toác, đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào nằm ngay sau nhà các hộ dân (Ảnh: Trần Trọng).

Không chỉ gia đình ông Nẵm, hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu xóm Rồng cũng trong tình cảnh mất ăn mất ngủ khi canh cánh nỗi lo sạt lở đồi phía sau nhà.

Bà Hoàng Bích Diệp chỉ tay về khu đồi sau nhà nói: "Các gia đình chúng tôi đều sống ở đây đã lâu đời. Giờ quả đồi đang bị nứt toác, cứ đến mùa mưa bão là lại lo nơm nớp. Mỗi khi nghe tiếng động từ phía quả đồi là cả nhà lại tỉnh giấc để lo chạy thoát thân".

Cũng theo bà Diệp, nhiều đêm nghe tiếng núi đồi "chuyển mình", cử động nhẹ, đất đá bắt đầu rơi xuống là mọi người lại thót tim. "Có lần đang lúc nửa đêm, tôi đánh thức cả nhà dậy hết để di tản, tránh hiểm nguy rình rập ập đến bất cứ lúc nào. Trời sáng trở về nhà, thấy yên ổn mới dám vào nhà ở tiếp", bà Diệp kể.

Gần 600 người nơm nớp sống cùng nỗi lo bị vùi lấp - 3

Khu đồi có nguy cơ sạt lở với hàng trăm vết nứt được phủ kín bạt tránh nước mưa (Ảnh: Trần Trọng).

Gia đình ông Nãm, bà Diệp cùng với hàng chục hộ dân khác nhiều năm qua mong mỏi chính quyền các cấp quan tâm, sớm khắc phục tình trạng sạt lở. Bên cạnh đó, nếu không khắc phục được thì họ sẵn sàng di dời đến nơi ở mới để an cư lập nghiệp. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn phải ôm nỗi lo mà sống.

Thống kê của UBND xã Lâm Sơn cho thấy, tại xóm Rổng Vòng hiện có 144 hộ dân với gần 600 nhân khẩu. Đồi Lủ Thao nằm trên nền đất yếu, rất dễ xảy ra sạt lở đất.

Thực tế tại khu dân cư này đã 7 lần người dân phải sơ tán khi trời mưa to, nước trên núi trút xuống cùng đất đá. 

Gần 600 người nơm nớp sống cùng nỗi lo bị vùi lấp - 4

Bạt che bị hư hại, lộ ra những vết nứt rộng gần 1m, kéo dài hàng chục mét (Ảnh: Trần Trọng).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tình trạng sạt trượt đất tại khu đồi Lủ Thao ngày càng mở rộng. Mỗi năm, vết nứt dài ra và rộng thêm. Thời gian gần đây, khu đồi bị "nứt toác" đã được phủ bạt, các cột mốc được đánh dấu thể hiện khu vực nguy hiểm.

Từ tháng 3/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao một công ty thực hiện dự án "Phòng, chống sạt lở và bảo vệ an toàn dân sinh sống tại đồi Lủ Thao". 

Ông Bùi Anh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn - cho hay, dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, địa phương đang gấp rút thực hiện và dự kiến xong trong năm nay.

Để ứng phó tạm thời với tình trạng sạt lở đất, chính quyền địa phương đã đào rãnh dẫn nước từ đỉnh núi xuống điểm an toàn. Khu vực sạt lở trước đây đã được phủ bạt để tránh nước mưa ngấm vào đất. 

"Nếu xảy ra mưa lớn kéo dài 2 - 3 ngày, chính quyền sẽ huy động lực lượng và phương tiện đưa bà con cùng các đồ đạc thiết yếu đến nơi an toàn", Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm