Gần 400 bị cáo nộp lại 408 tỷ đồng tiền chiếm đoạt, thu hồi hơn 1.200 tỷ
(Dân trí) - 9 tháng đầu năm, các tòa án đã tuyên thu hồi hơn 1.200 tỷ đồng tiền, tài sản với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. 396 bị cáo trong 109 vụ án cũng nộp lại hơn 408 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Con số này được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập sáng 6/11, khi trình bày báo cáo thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội trong lĩnh vực tòa án.
Tiết kiệm 45 tỷ đồng từ xét xử trực tuyến
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo; giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Con số này đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
"100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm", theo Chánh án TAND Tối cao.
Bên cạnh đó, ông Bình cho biết TAND Tối cao đã chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. 9 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ.
Cũng theo Chánh án, có 396 bị cáo trong 109 vụ án đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng.
Nhấn mạnh việc tích cực tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết tính đến ngày 30/6, có 682 tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến với 8.381 vụ án. "Thông qua xét xử trực tuyến đã giúp tiết kiệm được tổng chi phí ước tính 45 tỷ đồng", theo ông Bình.
Chỉ ra tồn tại, Chánh án TAND Tối cao cho biết tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc của một số đơn vị. Trong khi đó, một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật...
Thẩm tra báo cáo này, Tổng Thư ký Quốc hội ghi nhận một số kết quả trong lĩnh vực tòa án như chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án được chú trọng. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến, tiến độ và chất lượng giải quyết được nâng cao.
Dù vậy, tỷ lệ bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đề nghị phân hóa xử lý tội phạm, giảm nhẹ cho người không vụ lợi
Trình bày báo cáo tóm tắt việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí điểm lại một số kết quả.
Trong đó, tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%.
Viện kiểm sát cũng kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ chấp nhận đạt 98,6%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Viện trưởng VKSSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết cơ quan này đã thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
VKSND Tối cao đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Yêu cầu của việc này là "vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng", theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.
Trong lĩnh vực kiểm sát, báo cáo thẩm tra ghi nhận chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án được chú trọng. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến, tiến độ và chất lượng giải quyết được nâng cao.
Hạn chế trong lĩnh vực này được đề cập là một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can liên quan đến trách nhiệm của VKSND vẫn xảy ra; việc truy tố trong một số trường hợp chưa chặt chẽ.