1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 200 chung cư cũ ở TPHCM chưa đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy

Q.Huy

(Dân trí) - Một trong số các nguyên nhân khiến cư xá, chung cư cũ tại TPHCM không đáp ứng được yêu cầu phòng cháy chữa cháy là thiếu kinh phí, không có ban quản trị, ban quản lý.

TPHCM là nơi thu hút lượng lớn dân cư từ nhiều vùng đến sinh sống, làm việc, là đô thị đông dân nhất cả nước bởi tốc độ gia tăng cơ học. Khu vực đô thị cũ có dân cư tập trung với mật độ cao, nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhà, còn khu vực vùng ven đang đô thị hóa có nhiều khu dân cư xuống cấp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa với tính chất nguy hiểm cháy nổ cao.

Hiện tại, toàn địa bàn có 3 khu chế xuất, 19 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 22 cụm công nghiệp và hơn 530.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ. Trong đó, gần 118.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, hơn 9.400 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, hơn 1.174 cơ sở không đảm bảo về yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Gần 200 chung cư cũ ở TPHCM chưa đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy - 1

Chung cư số 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) là công trình được xây từ trước năm 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: IP Thiên).

UBND TPHCM cho biết, các cơ sở này chủ yếu không đủ điều kiện về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục vụ chữa cháy. Tuy nhiên, việc tiến hành cải tạo, sửa chữa theo các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành là rất khó.

Thực trạng và các số liệu trên được chính quyền thành phố nêu rõ trong bản báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND thành phố về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực.

UBND TPHCM nêu rõ, một số cơ quan thuộc sở hữu Nhà nước như trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá, chung cư chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu, giải pháp tại Nghị quyết 23. Nguyên nhân là các cơ sở này hoạt động phụ thuộc vào kinh phí Nhà nước, muốn cải tạo và sửa chữa cần phải xin chủ trương, xin cấp kinh phí nên việc thực hiện cần thời gian dài.

Trong đó, đối tượng là nhà chung cư cũ, thấp tầng còn tồn tại nhiều. Toàn địa bàn có 194 chung cư, cư xá thuộc diện trên (chiếm hơn 25%) chưa thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 23. 

Một số chung cư, cư xá trong diện giải tỏa, xây mới nên thường không có ban quản trị, ban quản lý, kết cấu hạ tầng xuống cấp, hầu như không được trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, một số nơi có lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng làm xuống cấp, hư hỏng, không còn tác dụng.

Do không có ban quản trị, những nơi này không thể kêu gọi người dân đóng góp kinh phí cải tạo, sửa chữa lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, hầu hết người dân sinh sống tại đây đều có thu nhập thấp dẫn đến việc thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 23 còn nhiều khó khăn.

Đối với các cơ sở thuộc sở hữu tư nhân, thành phố còn 235 nơi chưa thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 23. Trong đó, nhiều cơ sở xây không phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo về môi trường, có cơ sở thuộc diện di dời và có nguyện vọng di dời nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Mặt khác, một số trường hợp muốn đáp ứng được yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy buộc phải phá dỡ hoàn toàn hoặc một phần nhà xưởng, công trình, nhà kho... khiến chủ doanh nghiệp hầu như không thực hiện được.

Nghị quyết 23 quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TPHCM được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và Chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực được HĐND thành phố ban hành năm 2017.

Nghị quyết được áp dụng đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và Chữa cháy có hiệu lực là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn.

Đối tượng áp dụng Nghị quyết này là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư, công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định.

Theo nghị quyết, các cơ sở cần tuân thủ việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đồng thời, các đối tượng áp dụng của nghị quyết cần có giải pháp cải tạo, bổ sung nhằm tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với thực tế cơ sở.