1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Gần 20 hộ dân sống chênh vênh bên bờ sông sạt lở, lo "hà bá" nuốt nhà

Doãn Công

(Dân trí) - Gần 20 hộ dân có nhà sát bờ sông Kôn, đoạn phía Nam cầu Gành, sống bất an vì sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà bị nứt, sụt lún, chờ sập xuống sông.

Nhiều năm qua, 18 hộ dân có nhà ở dọc bờ sông Kôn, thuộc khu phố Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định), sống trong tâm trạng lo lắng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hiện nhiều ngôi nhà, công trình phụ phía sau bị đổ sập xuống sông, đặc biệt nhiều nhà nứt nghiêm trọng, có nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng nhà vào mùa mưa lũ.

Sống chênh vênh bên bờ sông sạt lở, hàng chục hộ dân lo "hà bá" nuốt nhà (Video: Doãn Công).

Bà Lê Thị Phước (72 tuổi) cho biết, ngôi nhà bà xây dựng từ năm 1980, đến nay đã nhiều lần gia cố, nhưng hiện nền nhà bị nứt, nghiêng xuống sông.

Theo bà Phước, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh nhất vào mùa mưa bão, người dân trồng tre giữ đất, giữ nhà, nhưng không hiệu quả. Hiện nay, nước sông gây xói mòn, sạt lở sát vách nhà, thậm chí nhà có công trình phụ bị đổ xuống sông.

"Năm nào cũng vậy, mùa mưa lũ đến là tôi phải bỏ tiền gia cố kè sau nhà. Trận bão năm 2017 là nặng nhất, toàn bộ bờ kè bị nước lũ cuốn phăng. Gia đình tôi tốn 100 triệu đồng mua rọ sắt đá làm bờ kè, vậy mà vẫn bị sụt lún, nứt nền, không biết có trụ được qua mùa mưa năm nay không. Mấy hôm nay, tôi xem tivi, thấy cảnh sạt lở vùi lấp nhà dân mà cảm thấy bất an", bà Phước lo lắng.

Gần 20 hộ dân sống chênh vênh bên bờ sông sạt lở, lo hà bá nuốt nhà - 1

Người dân có nhà ở dọc bờ sông Kôn luôn sống trong tâm trạng lo lắng (Ảnh: Doãn Công).

Sát vách gia đình bà Phước là căn nhà của bà Nguyễn Thị Giống (60 tuổi), được xây dựng cách đây gần 30 năm, hiện bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí tường nứt toác, nền nhà cũng bị nứt, sụt lún, chờ sập xuống sông.

"An toàn vẫn là quan trọng nhất nên có bão hay mưa lớn, gia đình tôi phải khóa cửa đi lánh nạn, ở nhờ nhà bà con", bà Giống nói và mong muốn lớn nhất của bà cũng như nguyện vọng của 18 hộ dân nơi đây là được Nhà nước sớm bố trí tái định cư, để được an toàn trong mùa mưa bão.

Theo UBND phường Nhơn Hòa, sau cơn bão năm 2017, bờ sông Kôn phía Nam cầu Gành, thuộc khu phố Huỳnh Kim, bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, vì lo sợ nhà sập nên một số hộ đã phải đóng cửa nhà, đến nơi khác sinh sống.

Gần 20 hộ dân sống chênh vênh bên bờ sông sạt lở, lo hà bá nuốt nhà - 2

Nhà bà Nguyễn Thị Giống bị nứt nghiêm trọng (Ảnh: Doãn Công).

Ông Nguyễn Minh Muộn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa cho rằng, khu vực phía Nam cầu Gành nằm gần họng nước, nếu có một cơn bão kết hợp nước lũ, nguy cơ sạt lở rất cao.

"Người dân có nhu cầu chuyển đi nơi khác sinh sống, chính quyền cũng thấy việc này rất thiết thực, đặc biệt đảm bảo tính mạng cho người dân. Thời gian qua, địa phương khảo sát số hộ dân, nhân khẩu để có báo cáo lên thị xã An Nhơn.

Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, di dời cấp bách để phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, việc này cần nguồn vốn rất lớn, nên địa phương đang chờ ý kiến của lãnh đạo thị xã", ông Muộn nói.

Gần 20 hộ dân sống chênh vênh bên bờ sông sạt lở, lo hà bá nuốt nhà - 3

Nhiều hộ phải dời đi nơi khác sống để đảm bảo an toàn tính mạng (Ảnh: Doãn Công).

Ông Bùi Văn Cư, Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho hay, UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu dân cư, tái định cư khu vực Huỳnh Kim với quy mô diện tích hơn 1,2ha, để bố trí tái định cư cho khoảng 18 hộ dân dưới chân cầu Gành.

"Hiện nay, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được UBND thị xã phê duyệt theo phân cấp và được HĐND thị xã cho chủ trương bổ sung vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện rất lớn nên UBND thị xã đang cân đối bố trí kinh phí để triển khai thời gian đến", ông Cư thông tin.