Gần 1.700 phản ánh tiêu cực đất đai qua đường dây nóng

(Dân trí) - Thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ khi công bố đường dây nóng (043.7957889) đến ngày 30/8/2016, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận 1.682 trường hợp, trong đó có 488 trường hợp phản ánh rõ nội dung sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và có địa chỉ để xử lý.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với các địa phương làm rõ thông tin 44% người dân phải lót tay mới được cấp sổ đỏ.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với các địa phương làm rõ thông tin "44% người dân phải lót tay" mới được cấp sổ đỏ.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 3/10, ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, đến nay, các cơ quan đã xử lý cơ bản tất cả các phản ánh của người dân qua đường dây nóng (043.7957889) việc chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả cho thấy, nhiều trường hợp chậm do các cơ quan chuyên môn tham mưu không đúng; nhiều trường hợp người sử dụng đất phản ánh không chuẩn hoặc lỗi do người sử đụng đất.

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu, đến nay đã có hơn 44 địa phương trên cả nước thiết lập và công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật và tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Ngoài ra, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Tổ công tác giải quyết tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đến nay các Tổ công tác đã triển khai làm việc tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh. Qua rà soát, các lực lượng đã phát hiện nhiều địa phương còn số lượng rất lớn các trường hợp đã cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp nhưng đã dồn điền, đổi thửa nên không còn giá trị mà chưa được cấp đổi giấy chứng nhận mới, điển hình như Thái Bình còn 98 xã thuộc 3 huyện, tỉnh Nam Định còn 436.000 giấy chứng nhận chưa cấp đổi và 204.000 trường hợp chưa đăng ký lại...

Đáng chú ý, tại tỉnh Thái Bình có tình trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký trong giai đoạn trước năm 1998 nhưng chưa trao được cho người sử dụng đất, đang được lưu giữ ở cấp xã mà chưa được thu gom về Văn phòng Đăng ký đất đai để quản lý. Nhiều trường hợp không có hoặc không còn sổ sách để theo dõi quản lý nên không xác định được số lượng tồn đọng hay thất lạc…

Các tổ công tác còn phát hiện tình trạng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng,chỉ số chậm giải quyết hoặc quá hạn. Nhiều trường hợp đã xử lý khắc phục tình trạng chậm giải quyết bằng cách trả lại hồ sơ cho cấp xã hoặc người sử dụng đất để bổ sung, hoàn thiện không đúng quy định như tại TP Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hải Phòng.

Như Dân trí đã phản ánh, kết quả điều tra chỉ số cải cách hành chính PAPI 2015 cho thấy có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân phải chi "lót tay" để làm xong sổ đỏ.

"Ước tính có khoảng 44% số người làm thủ tục cấp Sổ đỏ phải đưa hối lộ mới làm xong thủ tục trong năm 2015, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính là 24% trong năm 2014, cao hơn nhiều so với tỷ lệ người dân phải lót tay cho cán bộ ở cấp bệnh viện tuyến huyện, quận - chỉ số vẫn ổn định ở mức 12% trong 2 năm qua"- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Cũng theo kết quả PAPI 2015, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.

Thế Kha