1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Gần 1.000 hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân bãi thị

(Dân trí) - Sáng nay 31/3, gần 1.000 hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân đã bãi thị và kéo nhau lên UBND quận Cầu Giấy để khiếu nại về chủ trương phá dỡ chợ xây dựng thành trung tâm thương mại 9 tầng.

Theo đơn kiến nghị của tập thể gần 1.000 hộ kinh doanh các ngành: vải, quần áo may mặc, tạp hoá tạp phẩm, giày dép, đồ dùng gia đình, hàng cá thịt, hàng ăn uống… gửi đến toà soạn báo Dân trí, nguyên nhân của việc bãi thị ngày hôm nay là do họ quá bức xúc trước thông báo của UBND quận Cầu Giấy về việc “chợ đã đóng thầu”, nhưng chưa được biết ai là chủ đầu tư xây dựng.

“Khi nhận được tin này, chúng tôi vô cùng sửng sốt và bất bình, bởi vì bà con tiểu thương là những người đã bỏ biết bao mồ hôi, công sức xây dựng nên chợ Nghĩa Tân ngày nay mà không hề biết được các cơ quan chủ quản họp bàn” - đơn kiến nghị viết.

Chợ Nghĩa Tân được xây dựng từ năm 1994 và đi vào hoạt động kể từ tháng 6/1996 đến nay, với vốn đầu tư xây dựng chủ yếu là do những người kinh doanh trong chợ đóng góp và một phần hỗ trợ của Nhà nước. 5 năm đầu chợ Nghĩa Tân không có điện, đến năm 2001 mới bắt đầu có điện, việc kinh doanh của bà con trong chợ mới dần được tạm ổn.

Tại cuộc tiếp dân của lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, đại diện BQL chợ Nghĩa Tân, đại diện phường Nghĩa Tân, mong muốn của gần 1.000 hộ kinh doanh trong chợ là được các cấp chính quyền lùi thời gian quy hoạch chợ để họ an tâm làm ăn, thu hồi vốn và UBND quận phải công bố lộ trình xây dựng chợ thành trung tâm một cách rõ ràng, minh bạch.

Gần 1.000 hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân bãi thị - 1
  

Cổng chợ Nghĩa Tân bãi thị sáng 31/3.

Theo chị Lý, đại diện ngành hàng vải nói: “Chúng tôi là những người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng chợ này, tôi còn nhớ mỗi hộ kinh doanh lúc đó đóng 6,5 triệu đồng. Chúng tôi thấy rằng, đây chưa phải là thời gian hợp lý để xây dựng, quy hoạch lại, bởi chợ Nghĩa Tân đang hoạt động tốt. Hơn nữa, rất nhiều hạng mục của chợ cũng vừa được cải tạo xây mới.

Chợ Nghĩa Tân nằm sâu giữa các khu tập thể, không cản trở giao thông, không phải là bộ mặt trung tâm… việc phá bỏ để xây dựng lại chợ Nghĩa Tân như vậy cần được các cơ quan chức năng bàn bạc xem xét cẩn thận để có quyết định sáng suốt, không làm lãng phí tài sản của Nhà nước và tiêu tốn tiền bạc của người dân lao động nhất là bà con tiểu thương nghèo”.

Đại diện các hộ kinh doanh cũng đưa ra các ví dụ thực tế để chứng minh như việc xây dựng lại chợ Ô Chợ Dừa, chợ Khương Đình, chợ Bưởi… tuy có khang trang hơn, nhưng hiện tại đang bị bỏ không hoặc hoạt động không mấy hiệu quả, không hết công suất.

“Chợ Nghĩa Tân là chợ dân sinh, chúng tôi mong chính quyền nên đặt nó đúng vai trò của nó” - một hộ kinh doanh bức xúc nói.

Gần 1.000 hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân bãi thị - 2
  

Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy
tiếp đại diện các hộ kinh doanh.

Bên cạnh kiến nghị về việc lùi thời hạn quy hoạch chợ thêm từ 5 - 7 năm nữa, các hộ kinh doanh cũng không ngừng thắc mắc tới sơ đồ quy hoạch chợ được BQL chợ Nghĩa Tân dán trước phòng làm việc. Bởi theo họ, ngay cả sơ đồ quy hoạch cũng không được công khai, phải được dán ngay tại cổng chợ, họ chỉ biết đó là cái mô hình toà tháp 9 tầng, với những ô 3m2, 6m2…

Trả lời thắc mắc của các hộ kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết: Bà con yên tâm về buôn bán, bởi trong thời điểm hiện nay, UBND quận chỉ mới dừng lại ở mức độ chọn nhà đầu tư.

“Chúng tôi đang nghiên cứu về vấn đề này, chứ chưa có một quyết định gì rõ nét cả. Khi nghiên cứu xong các cơ chế, chúng tôi sẽ triển khai lấy ý kiến của đông đảo bà con kinh doanh trong chợ, cũng như tính tới phương án nếu ai không muón kinh doanh nữa sẽ được đền bù như thế nào hoặc vẫn còn muốn kinh doanh sẽ được hỗ trợ” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, trong những ngày tới, UBND quận Cầu Giấy sẽ chỉ đạo phường Nghĩa Tân dẹp các chợ cóc, hàng cóc mọc lên xung quanh chợ Nghĩa Tân, bảo đảm việc buôn bán cho các hộ kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ban quản lý chợ Nghĩa Tân, đây đang là thời điểm để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu khi quy hoạch từ chợ lên thành trung tâm. Và đây là một trong những kế hoạch giải quyết mô hình chuyển đổi quản lý chợ của quận Cầu Giấy từ nay đến năm 2010.

Mặc dù đã có ý kiến và khẳng định của các cấp chính quyền, nhưng theo ghi nhận của Dân trí, các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân vẫn không hề thoả mãn, bởi “đã mấy ngày nay, BQL chợ không ngừng thông báo kế hoạch quy hoạch chợ trên đài, làm chúng tôi tin việc xây dựng lại chợ đang sắp diễn ra” - một đại diện bày tỏ.

Nguyễn Hiền