1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 100 hộ dân "mắc kẹt" vì mua nhà từ đơn vị thi công thủy điện

Quang Dũng

(Dân trí) - Gần 100 hộ dân tại huyện Tương Dương (Nghệ An) tiến thoái lưỡng nan khi mua nhà của các đơn vị thi công thủy điện Bản Vẽ. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng đau đầu đi đòi đất cho mượn.

Khổ vì mua nhà của đơn vị thi công

Năm 2005, anh Nguyễn Văn Giáp cùng nhiều hộ dân thuộc Bản Vẽ (xã Yên Na, Tương Dương, Nghệ An) phải di dời đến khu tái định cư Khe Ò (xã Yên Na) để nhường đất cho công trình thủy điện Bản Vẽ.

Năm 2011, công trình thủy điện Bản Vẽ được hoàn thành. Thời điểm này, khu tái định cư Khe Ò bị sạt lở, lo ngại nguy hiểm nên anh Giáp quay về Bản Vẽ sinh sống.

"Tôi nghe tin các công ty thi công thủy điện bán nhà ở thuộc khu điều hành và nhà ở công nhân nên quyết định mua. Gia đình tôi mua nhà do Công ty Sông Đà bán, giá 20 triệu đồng. Từ khi mua nhà đến nay tôi vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", anh Giáp nói.

Gần 100 hộ dân mắc kẹt vì mua nhà từ đơn vị thi công thủy điện - 1

Những khu nhà xây cho công nhân khi thi công thủy điện Bản Vẽ được bán lại cho 94 hộ dân (Ảnh: Quang Dũng).

Không chỉ anh Giáp mà có thêm 93 hộ dân ở xã Yên Na mua nhà của các công ty thi công thủy điện Bản Vẽ. Mỗi căn nhà có giá 10-30 triệu đồng, tùy theo diện tích.  

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (khu tái định cư Khe Ò) cũng mua nhà tại khu điều hành và nhà ở công nhân thủy điện Bản Vẽ với giá 30 triệu đồng. Sau 13 năm sử dụng, căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng.

"Nhà tôi dột nát, hư hỏng, muốn sửa cũng không sửa được. Họ nói đất chúng tôi đang ở là đất của nhà nước, không được sửa chữa, xây dựng nhà ở trên đất này, cũng không được cấp sổ đỏ. Không phải mỗi nhà tôi mà gần 100 nhà ở đây đều như thế. Nhà chúng tôi bỏ tiền mua nhưng giờ lại không phải của chúng tôi", chị Ngọc nói.

Gần 100 hộ dân mắc kẹt vì mua nhà từ đơn vị thi công thủy điện - 2

Chị Ngọc lo lắng không có chỗ ở vì mua nhầm nhà trên đất nhà nước (Ảnh: Quang Dũng).

Được biết, vị trí đất 94 hộ dân đang ở do UBND huyện Tương Dương cho Ban quản lý dự án thủy điện 2 (thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam, là chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ) để phục vụ thi công công trình. Diện tích này sau đó được Ban quản lý dự án thủy điện 2 giao cho các đơn vị thi công để làm khu điều hành, nhà ở công nhân.

Khi công trình hoàn thành, thay vì trả mặt bằng cho địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công đã bán nhà cho 94 hộ dân kể trên. Số diện tích có nhà đã bán khoảng 5,4/76,7ha huyện Tương Dương cho chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ mượn.

Chính quyền đau đầu đòi đất cho mượn

Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết, khoảng năm 2011 khu tái định cư Khe Ò sạt trượt, xã và huyện di dời khẩn cấp 7 hộ dân. Các hộ dân này tự tìm chỗ ở tạm trước khi huyện bố trí chỗ ở mới.

7 hộ dân này đã mua lại nhà của một số nhà thầu của thủy điện Bản Vẽ để ở. Nhiều hộ khác thấy thế cũng mua theo.

"Các nhà thầu tự ý bán tài sản trên đất cho người dân, địa phương không biết. Người dân hiểu sai, tưởng mua nhà là mua cả đất", ông Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, diện tích huyện cho mượn, khi thi công xong công trình, các nhà thầu, đơn vị thi công phải tháo dỡ tài sản, trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư để bàn giao lại cho huyện.

Gần 100 hộ dân mắc kẹt vì mua nhà từ đơn vị thi công thủy điện - 3

Trong khi người mua nhà có nguy cơ không có nơi ở thì chính quyền địa phương cũng đau đầu đi đòi lại đất cho mượn (Ảnh: Quang Dũng).

Ông Hùng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty Cổ phần Thủy điện Bản Vẽ (trước đây là Ban quản lý dự án thủy điện 2). UBND huyện Tương Dương đã rất nhiều lần mời chủ đầu tư, nhà thầu thi công làm việc, yêu cầu  trả lại mặt bằng sạch cho huyện. Chủ đầu tư hứa chậm nhất ngày 12/5 sẽ thực hiện hoàn trả mặt bằng nhưng đến nay lời hứa vẫn chưa được thực hiện.

UBND huyện Tương Dương và chủ đầu tư cũng đã nhiều lần họp bàn cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân mua nhà từ các nhà thầu, đơn vị thi công thủy điện Bản Vẽ.

"Theo nội dung thống nhất trong các buổi làm việc, các nhà thầu phải trả tiền lại cho người dân và dỡ bỏ tài sản trên đất, để chủ đầu tư làm thủ tục trả lại đất cho huyện. Thế nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND tỉnh và đang chờ chỉ đạo của tỉnh về phương án xử lý vụ việc", ông Hùng cho hay.