Rời lòng hồ thủy điện 20 năm, dân tái định cư vẫn loay hoay tìm sinh kế
(Dân trí) - Hàng nghìn hộ dân miền núi cao nhường đất cho dự án thủy điện, về tái định cư ở huyện Thanh Chương, Nghệ An hiện thiếu sinh kế, thiếu đất để sản xuất.
Di dân nhường đất làm thủy điện
Gần 20 năm trước, sau khi nhận tiền đền bù, rời nhà để nhường đất cho dự án thủy điện Bản Vẽ, nhiều hộ dân từ huyện Tương Dương được bố trí tái định cư tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Có nhà, có tiền đền bù nhưng không có đất sản xuất, người dân tái định cư lần lượt rời làng, tha hương đi làm thuê, để lại những ngôi nhà dự án bỏ không.
Ông Lo Văn Dương, người dân bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm, nói: "Không có đất rừng sản xuất, giờ chỉ làm công việc vặt, sống qua ngày thôi. Thanh niên đi làm thuê hết. Mấy con tôi cũng vậy, vào Nam làm công nhân cả".
Lãnh đạo xã Ngọc Lâm cho biết: "Chỉ một vài hộ có đất rừng để sản xuất, nhưng hầu hết họ đều phải bỏ tiền mua lại của người ngoài địa phương. Để có mỗi ha rừng, phải bỏ khoảng 200 triệu đồng, không mấy nhà có điều kiện".
Ông Lô Văn Mão, người dân bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, trầm ngâm: "Họ bỏ đi hết rồi. Trước đây ở Bản Vẽ đất rừng nhiều, tha hồ canh tác, giờ về Thanh Chương rất ít đất sản xuất, không đủ ăn, người dân phải vào Nam ra Bắc làm thuê kiếm sống".
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính có hơn 1.000 lao động trên địa bàn phải đi làm ăn xa.
Tính trung bình người dân tái định cư được cấp 3.000m2 đất mỗi khẩu, bao gồm cả đất ở và đất sản xuất. Thanh Sơn cũng có đất rừng rộng lớn nhưng số hộ trên địa bàn được giao đất để sản xuất chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Được biết, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao khoán lại đất rừng để người dân tái định cư có kế sinh nhai.
Khó khăn thu hồi đất và bồi thường
Năm 2012, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương gửi văn bản xin trả lại đất. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định thu hồi 1.800ha đất lâm nghiệp tại các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm thuộc diện này để giao lại cho địa phương.
Tuy nhiên, đến nay sau hơn 12 năm, huyện Thanh Chương chỉ mới thu hồi được gần 500ha trong tổng số gần 1.800ha. Trong đó, xã Thanh Sơn thu hồi được 314ha và xã Ngọc Lâm 183ha để chia cho người dân sử dụng.
"Khi chúng tôi di dời xuống đây, chỉ phần đất bị ngập dưới lòng hồ được đền bù. Trong khi thực tế, hầu hết diện tích đất sản xuất của người dân nằm trên cốt ngập, không được tính nhưng cũng không thể canh tác được nữa.
Chúng tôi xuống Thanh Chương tái định cư, không thể mang đất rẫy theo, cũng không thể vượt gần 200km ngược lên Bản Vẽ canh tác được", ông Vi Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm trao đổi.
Thực tế, một số hộ dân vẫn quay trở lại đất cũ quanh thủy điện Bản Vẽ để làm ăn, sản xuất. Tình trạng này không chỉ khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mà còn gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý đất đai, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập thuộc dự án thủy điện Bản Vẽ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dù vậy đến nay, 2.674 hộ chuyển về khu tái định cư ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương) vẫn chưa được nhận chế độ này.
Khoản 3 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.
Khoản 4 Quyết định số 64 cũng nêu rõ, hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó thì UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.