Gần 100 cán bộ cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ
(Dân trí) - Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.
Con số này được đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra sáng 13/3, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng Tiểu ban). Phiên họp nhằm cho ý kiến về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, Đảng luôn khẳng định công tác cán bộ chịu sự quy định của đường lối chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nên đồng thời với chuẩn bị đường lối chính trị phải tích cực chuẩn bị và tiến hành đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ.
Tổng Bí thư lưu ý hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự).
"Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội", theo lời người đứng đầu Đảng.
Người đứng đầu Đảng cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Ông dẫn chứng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất.
Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định phải thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này.
Sau gần 40 năm đổi mới, Tổng Bí thư ghi nhận đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, song đội ngũ cán bộ hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Tổng Bí thư cho rằng chúng ta còn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.
Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường.
Bên cạnh đó, không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trong khi đó, không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra thực tế tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi.
"Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự", Tổng Bí thư nói.
Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ, theo Tổng Bí thư, là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Vì thế, theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội Đảng XIV thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa mới, vì đây là công việc vô cùng hệ trọng.