Gà ngoại nhập chưa chắc đã an toàn
Trong lúc gà nội đang “gặp nạn”, gà ngoại nhân cơ hội này được ào ạt nhập khẩu vào VN, giá rất “mềm”. Tuy nhiên, do quá trình bảo quản, rã đông, đóng gói và bán sản phẩm chưa bảo đảm nên gà ngoại cũng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gà ngoại về nhiều, gà nội rớt giá
Những ngày gần đây, giá các loại gà trắng công nghiệp và gà màu đã giảm 3.000-5.000 đồng/kg so với đầu tuần trước. Loại gà màu (tam hoàng) giá cũng giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với trước đó, chỉ còn khoảng 25.000-26.000 đồng/kg. Không riêng gì người chăn nuôi nhỏ lẻ, các đơn vị chăn nuôi gà gia công cũng phải giảm giá bán.
Ông P., một hộ chăn nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, cho biết nhiều nguy cơ giá gà sẽ giảm thêm vì ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đang lan rộng tại ĐBSCL và gà đông lạnh nhập khẩu. “Gà nhập có giá rất mềm, đang kéo giá gà trên thị trường trong nước hạ nhiệt” - ông Phạm Văn Minh, giám đốc Công ty Phú An Sinh, nhận định.
Hiện gà nhập loại mảnh 1/4 con có giá từ 19.000-20.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 24.000-25.000 đồng/kg của gà nội. Một số nhà kinh doanh gà nhập khẩu cho biết loại gà này đang được các đơn vị chế biến suất ăn công nghiệp và các nhà máy chế biến các sản phẩm từ gia cầm tiêu thụ mạnh.
Theo số liệu của Trung tâm Thú y vùng TPHCM, lượng gà nhập khẩu vào các cửa khẩu TPHCM hiện bình quân khoảng 1.000 tấn/tháng. “Gà nhập khẩu đã bổ sung nguồn cung gà trên thị trường vốn đang thiếu hụt, nếu không có gà nhập khẩu, giá gà trong nước còn ở mức cao” - một nhà kinh doanh nhập khẩu khẳng định.
Gà ngoại cũng nhiễm vi khuẩn gây bệnh
Kết quả khảo sát mới đây của cơ quan thú y vừa được công bố, trong 67 mẫu sản phẩm gà nhập được kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có đến 27% số mẫu có vấn đề. Một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM cho biết hầu hết những mẫu sản phẩm không đạt yêu cầu này đều bị phát hiện có nhiễm khuẩn, như vi khuẩn E.coli có hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, “không phải sản phẩm gà nhập về không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà do quá trình bảo quản, rã đông, đóng gói và bán sản phẩm này ra thị trường chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm...” - vị cán bộ này cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Bình - phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng TPHCM - cho biết hầu hết các đơn vị nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm gia cầm nhập hiện nay đều chưa có kho trữ đông, doanh nghiệp phải đi thuê kho bảo quản. Hầu hết kho bảo quản này đều không phải loại chuyên dùng cho gia cầm.
Bên cạnh đó, việc bán các sản phẩm này cũng có vấn đề. Theo ông Huỳnh Hữu Lợi - chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM - sản phẩm nhập khẩu có đầy đủ thông tin về xuất xứ, thời hạn sử dụng... nhưng những thông tin này không còn khi nhà kinh doanh đưa sản phẩm ra thị trường.
Các sản phẩm này đã được đóng gói dưới tên đơn vị nhập khẩu nhưng thông tin thì lại chung chung. “Sản phẩm được giới thiệu là gà tươi mà không ghi rõ nguồn gốc nhập nên người tiêu dùng không phân biệt giữa gà nhập với gà nội” - ông Lợi nói.
Theo cơ quan thú y, việc nhập nhằng này không chỉ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng mà còn là kẽ hở cho việc kinh doanh sản phẩm gà trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. Một cán bộ thú y cho biết không loại trừ khả năng nhà kinh doanh trộn gà trôi nổi với gà nhập để bán.
Kiểm soát chặt gà nhập
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, để tránh xảy ra tình trạng trộn hàng trôi nổi vào sản phẩm nhập khẩu, các nhà nhập khẩu phải báo ngay cho cơ quan thú y địa phương khi đưa hàng về kho ở các tỉnh. Khi hàng xuất kho, nhà kinh doanh cũng phải thông báo cho cơ quan thú y địa phương kiểm tra cấp giấy.
“Không phải ngành thú y làm khó nhà kinh doanh, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, qua đó cũng hạn chế những trường hợp cố ý làm ăn gian dối” - ông Bình nói.
Ông Huỳnh Hữu Lợi cho biết thêm tới đây tất cả các đơn vị khi đưa sản phẩm gia cầm nhập khẩu ra bán lẻ đều phải thông báo với cơ quan thú y ngay từ khâu rã đông, bao bì đóng gói sản phẩm bán lẻ cũng phải ghi đầy đủ xuất xứ hàng hóa cũng như hạn dùng.
Theo Tuổi Trẻ