“Formosa đã chuyển 250 triệu đô la tiền bồi thường”
(Dân trí) - Sáng ngày 29/7, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian đề cập sự cố Formosa. Tại đây, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến ngày 28/7, phía Formosa đã thực hiện cam kết là đã chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu đô la.
Tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng dành nhiều thời gian nói về thảm họa môi trường do Formosa gây ra. “Là đại biểu Quốc hội của một trong bốn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố môi trường, tôi rất đồng cảm với những bất bình, bức xúc của cử tri cả nước”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu con số thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn và thiệt hại về hải sản cũng lên đến con số hàng ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn. Tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô vô cùng lớn và việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều năm.
Theo đại biểu, hiện nay, người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng những lo âu khắc khoải. “Có thể nói rằng, đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ. Do đó, các tàu cá ở vùng biển và tàu khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được”, đại biểu nêu rõ những khó khăn ngư dân đang đối mặt.
Người dân không ra khơi bám biển, phải đi tìm những việc làm khác để mưu sinh kiếm sống. Các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế vì lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, thảm họa thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng. Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của công ty Formosa để đảm bảo việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.
Theo đại biểu Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp khôi phục lại sinh thái ven bờ để sớm công bố, trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt hải sản. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, về kinh phí để khắc phục sự cố môi trường ngoài trách nhiệm của Formosa thì ngân sách của Nhà nước cũng phải dành cho công việc này thỏa đáng và kịp thời.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, ngoài việc Chính phủ đang nỗ lực xử lý hậu quả sự cố môi trường thì Quốc hội cũng không thể đứng ngoài cuộc. Và việc quan trọng nhất Quốc hội cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát lại văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Từ đó có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, thảm họa môi trường Vũng Áng làm khốn khổ người dân 4 tỉnh miền Trung, hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt, mặc dù người gây ra là Formosa đã nhận lỗi và bồi thường. Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không?
“Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này. Các hiện tượng xả thải gây ô nhiễm sông, suối xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đang dần đưa các sông, suối thành các dòng sông chết. Quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân được Hiến pháp ghi nhận đang bị xâm hại”, đại biểu Tô Văn Tám nói.
Lần đầu tiên phát biểu trước Quốc hội với tư cách đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà cho biết, đến thời điểm này, chúng ta đã làm được một số việc bước đầu. “Ngày 28/7, Formosa đã thực hiện cam kết là đã chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu đô la. Đến nay, các vấn đề liên quan đến bồi thường cho người dân đang được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt”, ông Trần Hồng Hà nói
Trước Quốc hội, ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, những công việc cụ thể mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện là đang tiến hành để thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm của Formosa (53 lỗi), cùng theo đó là kế hoạch rất toàn diện về khắc phục các vi phạm như công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải đồng thời triển khai các hệ thống ứng phó sự cố môi trường như hồ sinh học, bể chứa sinh học chứa trước khi thải ra môi trường biển khoảng 7 ngày, có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường biển.
Quang Phong