F0 tăng kỷ lục, kịch bản nào để Hà Nội kiểm soát dịch trước Tết?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, Hà Nội sẽ rơi vào "thảm họa" nếu không kiểm soát được số ca F0 chuyển nặng gây quá tải và số ca tử vong. Thành phố cần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở và dập tắt từng ổ dịch.
Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng luôn lập kỷ lục mới trong những ngày gần đây khiến nhiều quận nội thành Hà Nội đã chuyển sang cấp độ 3, tức vùng có nguy cơ cao. Tính đến tối 26/12, Bộ Y tế cho biết, Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước số F0 mới trong ngày, với 1.910 ca. Trước số lượng ca mắc liên tục "lập đỉnh" trong những ngày qua, Hà Nội cần làm gì để kiểm soát dịch khi Tết dương lịch và Tết Nguyên đán đang cận kề?
Việc kiểm soát dịch của Hà Nội chưa tốt?
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, sau khi Hà Nội cho mở cửa trở lại, chấp nhận sống chung với dịch thì số ca mắc Covid-19 tăng lên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên để số ca tăng lên nhiều cao nhất cả nước, liên tục trong suốt tuần qua cho thấy việc kiểm soát dịch của thành phố có thể còn chưa tốt.
Ông Nhung nhận định, nếu nhìn rộng ra thì việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 " của nhiều địa phương cũng còn chưa hiệu quả, dẫn tới số ca của cả nước và Hà Nội đều tăng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần theo dõi số ca chuyển nặng cần nhập viện, số ca nguy kịch và số ca tử vong. Đó mới là những tiêu chí đánh giá chung sống an toàn, nếu hệ thống y tế vẫn ở tình trạng kiểm soát, không quá tải.
Chúng ta vừa trải qua đợt dịch tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có thể nói thời điểm đó đã xảy ra "thảm họa" y tế công cộng do sự điều phối nguồn lực y tế bị quá tải nhanh chóng, không kịp ứng phó. Thành phố Hà Nội cũng như các địa phương, thậm chí cả Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần lấy bài học vừa qua để củng cố hệ thống ứng phó Covid-19 trong tình hình mới.
Theo chuyên gia, có hai yếu tố quan trọng để chúng ta chung sống an toàn với dịch, đó là giảm thiểu tối đa tử vong do Covid-19 và dập từng ổ dịch để kiềm chế số ca mắc mới. Để làm được việc đó cần củng cố hệ thống giám sát dịch và hệ thống điều trị các tuyến, đặc biệt là tuyến xã phường.
"Hiện nay Hà Nội ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới trong ngày, mà thời gian lây nhiễm của một người sẽ là khoảng 10 ngày, nghĩa là trong một thời điểm, Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 người nhiễm và có khả năng lây sang cho người khác. Con số này thậm chí có thể cao hơn, nói lên việc kiềm chế số ca lây nhiễm chưa tốt và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng ở thủ đô đông dân, giao thương cao hiện nay, cũng tương tự như TPHCM vừa qua", PGS.TS Nhung nhận định.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, nếu như trước đây, khi vaccine chưa được bao phủ và với chủng Delta thì tỷ lệ người nhiễm không triệu chứng hoặc nhẹ, tức là chỉ viêm đường hô hấp trên đã chiếm 84%, thì hiện nay vaccine được bao phủ cao, tỷ lệ ấy sẽ tăng lên trên 90%.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, báo cáo ở một số tỉnh phía nam cho thấy số bệnh nhân chuyển nặng, nhập viện và tử vong vẫn cao, chủ yếu là những người tuổi cao trên 50, có bệnh nền và chưa được tiêm vaccine. Ông Nhung đánh giá, có một bộ phận người dân ngại tiêm vì sợ biến chứng của vaccine. Đây là thực trạng cần khắc phục ngay trước khi quá muộn, khi biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội nới lỏng thì chắc chắn ca nhiễm, ổ dịch tăng lên. Cơ bản thành phố phải kiểm soát các tiêu chí như số ca mắc nặng, ca nhập viện, số lượng tiêm chủng vaccine; đặc biệt hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở phải tư vấn, điều trị, theo dõi kịp thời. Từ đó, phân tầng thật tốt các trường hợp F0 để không gây quá tải hệ thống y tế cũng như giảm số ca tử vong.
Ông Phu nhận định, với thực tế ca bệnh tăng mạnh gần 2.000 người trong một ngày như hiện nay, Hà Nội cần những biện pháp mạnh, quyết liệt hơn tại khu vực nguy cơ cao. Tuy nhiên không phải vì thế mà người dân quá lo sợ.
Thành phố cần phải xem xét thật kỹ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động nào thiết yếu vẫn cho hoạt động nhưng kiểm soát an toàn, hoạt động nào không thiết yếu có thể ngừng. Chuyên gia lấy ví dụ như liên hoan, đám cưới, đám tang cần quy định chặt chẽ hơn. Việc đi lại ở các địa phương đảm bảo an toàn, bên cạnh đó tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù tình hình dịch tại Hà Nội đang tiến triển phức tạp nhưng đây đều nằm trong dự báo từ trước của cơ quan chức năng.
Chuyên gia cho rằng, hiện nay thành phố Hà Nội cần tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng, giảm thiểu số lượng người tử vong và nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện tốt 5K.
Những việc Hà Nội cần làm ngay
Ứng phó với Covid-19 hiện nay có rất nhiều việc phải làm, nhưng chuyên gia khuyến cáo một việc đó là làm sao để mỗi xã, phường đủ năng lực chủ động ứng phó với dịch là điểm then chốt.
Có 2 năng lực cơ bản của tuyến y tế cơ sở đó là giám sát dịch và tổ chức chăm sóc điều trị người nhiễm thể nhẹ và không triệu chứng. Đồng thời "bao phủ" vaccine 100% cho nhóm đối tượng dễ tổn thương như người già, người có bệnh nền.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, Hà Nội cần nâng cao hơn nữa năng lực tuyến y tế cấp cơ sở, bởi mỗi xã, phường đủ năng lực chủ động ứng phó với dịch là điểm then chốt.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, tuyến y tế phường, xã cùng chính quyền phải rà soát lại toàn bộ các trường hợp trên 50 hoặc trên 60 tuổi, những người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine. "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" để lập danh sách, tuyên truyền giáo dục việc cần phải tiêm vaccine cho người dân. Sau đó, Sở Y tế phân công các bệnh viện, kể cả kêu gọi các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, tổ chức tiêm cho các đối tượng này 100%.
Chuyên gia dẫn chứng, trước đây những người tuổi cao, bệnh nền có thể "bình an" khi "zero Covid" trong cộng đồng, nhưng hiện giờ số ca F0 ngoài cộng đồng không triệu chứng tăng cao, con cháu họ đi học, đi làm về có thể lây cho bố mẹ, ông bà ở nhà... dẫn tới những trường hợp già yếu này dễ bị nhiễm, dễ chuyển nặng và dễ tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy phải nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng này.
Việc xây dựng và củng cố năng lực giám sát dịch tại cơ sở phường/xã, tổ dân phố, thôn, đội là những cấp gần dân nhất, thông tin liên lạc luôn có sự lan truyền nhanh và nếu biết cách quản lý thì rất có lợi trong công tác giám sát dịch.
Chuyên gia lấy ví dụ, khi có một trường hợp dương tính, chuyên môn gọi là ca bệnh chỉ điểm, cần phân tích ngay xem nguồn lây từ đâu và quan trọng là nguy cơ lây cho ai tiếp theo, khoanh vùng được và làm xét nghiệm. Vì vậy, Hà Nội cần tăng cường năng lực xét nghiệm kháng nguyên nhanh, giao quyền cho người dân, cho y tế cơ sở và xác định người nhiễm để bóc tách nguồn lây, chặn đứng ổ dịch. Chuyên gia nhấn mạnh, cách ly tại nhà cũng là bóc tách nguồn lây tại cộng đồng.
Xây dựng và củng cố năng lực chăm sóc, cách ly và điều trị người nhiễm Covid 19 thể nhẹ và không triệu chứng. Như phân tích ở trên, chuyên gia nhấn mạnh định hướng điều trị cách ly người nhiễm Covid 19 sẽ chủ yếu tại nhà và y tế cơ sở vì đến 90-95% là nhẹ và không triệu chứng. Định hướng này vừa thuận tiện cho người dân vừa giảm quá tải cho hệ thống bệnh viện.
Y tế dự phòng phải đi trước một bước
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng và dập dịch... cũng như điều trị hiệu quả Covid-19 thì phần lớn nhiệm vụ của y tế dự phòng phải đi trước một bước.
Chuyên gia cho biết, nếu "vỡ trận y tế dự phòng" thì sẽ dẫn tới "vỡ trận điều trị", dẫn tới số ca mắc tăng cao, làm quá tải hệ thống y tế, dẫn tới bệnh nhân chuyển nặng nhiều, bệnh nhân không được can thiệp y tế kịp thời gây tử vong. Chính vì vậy, y tế dự phòng phải đi trước một bước, làm tiền đề quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Chuyên gia nhận định rằng, hiện nay tình hình dịch tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, nhưng vẫn đang "nằm trong tầm kiểm soát", vì số ca tăng nặng và số lượng người tử vong chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, chính quyền cần phải có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới, vì nếu để số ca mắc tăng cao hơn nữa sẽ dẫn tới việc quá tải hệ thống y tế và làm tăng số ca tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong dịp Tết Nguyên đán và tết dương lịch sắp tới, nếu Hà Nội không quyết liệt thì dịch sẽ bùng phát mạnh và mất kiểm soát. Chính vì vậy, thành phố phải có giải pháp đúng nguy cơ tình hình dịch bệnh theo cấp độ của từng địa bàn, để đưa ra những giải pháp ngăn chặn trước số ca mắc đang tiếp tục tăng cao.
Chuyên gia đánh giá rằng, trong thời gian tới ở Hà Nội dịch sẽ còn phức tạp và khó lường hơn rất nhiều, lấy ví dụ đơn cử như trong 2 năm qua, chủng virus Delta đã gây cho Việt Nam và các nước trong khu vực rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch, chưa kể hiện nay thêm chủng Omicron lây lan rất nhanh.
Nếu chính quyền Hà Nội không kiểm soát tốt thì rất dễ gây ra tình trạng quá tải hệ thống y tế, và ở đây xuất hiện cả việc quá tải hệ thống y tế ảo. Cụ thể, khi số mắc tăng cao dẫn tới không sắp xếp, phân luồng được bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân thể nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng lại được đưa vào viện; các bệnh nhân thể nặng khi đó sẽ giảm cơ hội được can thiệp y tế trong các bệnh viện, cơ sở y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, theo khuyến cáo thì đến cuối năm 2022, đại dịch Covid-19 mới cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta được chủ quan, lơ là. Nhiều người dân có tâm lý đã được tiêm vaccine thì không ngại tập trung đông đúc, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Chính quyền phải tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân hơn nữa trong việc thực hiện tốt 5k và tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid. Việc này sẽ phải là kim chỉ nam xuyên suốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19.