1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh

(Dân trí) - Sau chuyến đột nhập vạch mặt thủ đoạn “xẻ thịt” rừng nguyên sinh Tuyên Hoá (Quảng Bình), PV <i>Dân trí</i> tiếp tục đóng vai thương lái thâm nhập vào các căn cứ tập kết gỗ lậu để thấy đường đi “vừa trắng trợn, vừa tinh vi” của lâm tặc và đầu nậu buôn gỗ.

Đột nhập “căn cứ” tập kết gỗ lậu

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Kim Hoá (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình), nơi được coi là một trong những “căn cứ” tập kết gỗ của lâm tặc. Có mặt tại các thôn Kim Tiến, Kim Lũ của xã này chúng tôi không khỏi giật mình bởi tiếng cưa xẻ gỗ diễn ra suốt ngày đêm.  Xưởng cưa, xẻ tư nhân hoạt động hết công suất nhưng gỗ vẫn còn đầy ngổn ngang góc làng, lối xóm.

 
Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh - 1
 Gỗ chất đầy nhà dân ở Kim Hoá (Ảnh: Văn Dũng)
 
Chạy dọc suốt xóm, gần như gia đình nào ở đây cũng cất giấu gỗ. Gỗ được cưa xẻ thành bê lớn, bê nhỏ chất ở sân, ở hiên nhà. Nhà nhiều cất giữ hơn 20 khối, nhà ít cũng 3-4 khối. Rất nhiều người dân khi trò chuyện với “những tay buôn gỗ lạ mặt” khẳng định, cuộc sống nghèo khó nên tranh thủ lên rừng đốn ít gỗ làm nhà, làm tài sản cho con. Nhưng, cũng không ít người cho biết, gỗ đấy là hàng hoá, nếu được giá sẵn sàng bán ngay. Bán hết lại lên rừng xẻ tiếp!
 
Tại Kim Hóa, gỗ mang lại nguồn thu không nhỏ, biết điều ấy nên không ít người dân ở đây đã “năng động” lập doanh nghiệp, xưởng chế biến dưới vỏ bọc chế biến gỗ sản xuất để dễ bề thu gom gỗ của lâm tặc chặt phá từ rừng về mang đi tiêu thụ. Một trong những doanh nghiệp được người dân Kim Hoá “điểm mặt” cung cấp cho Dân trí hoạt động buôn bán gỗ trá hình là Công ty TNHH Xây dựng Q.T.  Nhiều người dân ở đây cho biết, từ vài năm nay, doanh nghiệp chế biến gỗ gia dụng này là một trong những điểm thu gom gỗ cho người dân khai thác rừng trái phép ở Kim Hoá và vùng phụ cận.
 
Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh - 2
Mặt ngoài và phía trong xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Đ.T (Ảnh: Văn Dũng)
 
Khi chúng tôi có mặt, phía sau căn nhà treo bảng doanh nghiệp “cửa cài theo đóng” là cả một kho rộng lớn chất đầy đủ chủng loại gỗ. Gỗ được cưa thành bê ngắn, bê dài có thể đáp ứng theo yêu cầu của khách. Một người dân ở đây cho biết, ông chủ của doanh nghiệp này là T.Q.Đ là đại biểu HĐND huyện Tuyên Hoá và chính cái mác này càng khiến doanh nghiệp của ông T được bao bọc bởi nhiều cán bộ cấp trên (?).

Rời địa phận xã Kim Hoá, nhóm PV Dân trí đã ngược trở lại xã Thuận Hoá - nơi rừng đang bị lâm tặc “xẻo thịt” kinh hoàng. Suốt hơn một năm nay, kể từ khi đường Xuyên Á nối Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) được thi công thì nhà gỗ ở đây mọc lên như nấm sau mưa.

Trong vai một người khách đi mua nhà rường chở về TP Đồng Hới làm quán cà phê, chúng tôi chạy dọc đường Xuyên Á và mọi ngõ xóm. Đi sâu vào các thôn xóm ở đây chúng tôi đều chứng kiến cảnh người dân hì hục cưa, đẽo, bào, tiếng cưa máy xẻ ầm ầm. Những căn nhà vừa được dựng lên chưa kịp bán còn nguyên mùi sơn véc ni. Nói là nhà, nhưng thực tế đó chỉ là bộ khung được lợp ngói và lát bìa mỏng các vách.
 
Một thợ xẻ gỗ dừng cưa trò chuyện, “làm nhà để ở, nhưng được giá là bán. Giá nhà cũng không rẻ một chút nào, từ 100 đến 200 triệu đồng tuỳ theo chủng loại”.
 
Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh - 3
Một căn nhà tiêu tốn hơn 20m3 gỗ ở Thuận Hoá đang chờ khách để bán (Ảnh: Văn Dũng)
 
Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi đáp vào một căn nhà gỗ vừa được dựng lên chưa lâu. Hỏi mua nhà, ông chủ nhà hớn hở: “Nhà làm để bán, hơn 15m3 gỗ “ròng” cả đấy. Các anh ưng thì tui bán ngay. Giá cả 180 triệu đồng. Bên ni lo vận chuyển về xuôi luôn, mọi chuyện trót lọt thì cho thêm vài triệu kiếm thêm tiền xăng xe”. Thấy khách tỏ vẻ không bằng lòng vì sản phẩm của mình, chủ nhà nói luôn: Vội thì tui dẫn đi chỗ khác mà chọn, không thì cứ đặt cọc, cỡ tháng quay lại là có nhà...

Đường đi của gỗ lậu Tuyên Hoá

Suốt hơn một tuần lăn lộn mọi ngõ hẻm ở xã Thuận Hoá và các xã lân cận ở huyện Tuyên Hoá, chúng tôi đã phát hiện ra đường đi của gỗ ở huyện miền núi này. Một trong những đường tẩu tán gỗ lậu về xuôi là những căn nhà mà chúng tôi vừa đề cập ở trên.

Những năm trước, chuyện dựng nhà rồi bán về xuôi ở Thuận Hoá, Kim Hoá… còn hết sức nhỏ giọt. Nhưng từ khi tuyến đường Xuyên Á được thi công, tình trạng người dân lên rừng xẻ gỗ dựng nhà bán về xuôi phát triển một cách ồ ạt. Để hạn chế rừng bị lâm tặc tàn phá, chính quyền các địa phương đã có quy định khi bán phải có giấy xác nhận của xã. Có điều, chính giấy xác nhận ấy của chính quyền địa phương lại trở thành “bùa hộ mệnh” để người dân, đầu nậu, dân buôn lợi dung qua mặt cơ quan chức năng tẩu tán gỗ về xuôi.
 
Theo điều tra của chúng tôi, chỉ cần một tấm giấy xác nhận bán nhà, chỉ trong một năm có hộ ở Kim Hoá, Thụân Hoá bán gần chục căn nhà, với giá trên dưới 100 triệu đồng.
 
Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh - 4
Gỗ sau khi bị đốn được xẻ, đẽo thành cột rồi tẩu tán bằng hình thức bán nhà ở (Ảnh: Đất Vũ)
 
Đường đi của gỗ lậu Tuyên Hoá không chỉ được người dân hợp thức hoá bằng cách xẻ gỗ dựng nhà bán về xuôi, mà nó còn được vận chuyển một cách tinh vi qua nhiều con đường khác nhau. Vào thời điểm chúng tôi thực hiện loạt phóng sự điều tra này, Khe Nét, đi qua các xã Kim Hoá, Thuận Hoá trước khi đổ ra sông Gianh “bị động” nên khá yên tĩnh, nhưng trước đó, theo phản ánh của nhiều người khe này là tuyến mà lâm tặc kết bè đưa gỗ về xuôi.
 
Chính một phần rừng Thuận Hoá điểm vừa bị lâm tặc xẻo thịt như Dân trí phản ánh cũng đi qua con đường này. Gỗ sau khi bị đốn hạ, lâm tặc dùng trâu kéo đổ xuống khe rồi dùng dây xích, giây thừng kết lại với nhau. Sau khi đánh hơi thấy kiểm lâm địa bàn, cán bộ bảo vệ BQL rừng phòng hộ Tuyên Hoá lơ là, chúng cho bè men theo suối đổ ra sông Gianh rồi mang gỗ xuôi về các ngả.
 
Không đi bằng đường sông, gỗ rừng Thượng Hoá nói riêng và Tuyên Hoá nói chung đi bằng đường bộ, và đây là tuyến tẩu tán gỗ lậu lớn nhất ở huyện miền núi này. Dẫu chưa chính thức thông xe nhưng đường Xuyên Á (Vũng Áng - Cha Lo) đã trở huyết mạch quan trọng để lâm tặc tẩu tán gỗ dưới sự tiếp tay trắng trợn của Kiểm lâm, cán bộ BQL rừng phòng hộ Tuyên Hoá.
 
Đường về xuôi ào ạt của gỗ rừng nguyên sinh - 5
 Một xe chở gỗ lậu vừa bị Kiểm lâm Tuyên Hoá bắt giữ (Ảnh: Đất Vũ) 
 
Qua điều tra của chúng tôi, ngoài bộ phận triệt hạ rừng Thuận Hoá về dựng nhà, bộ phận còn lại đốn gỗ rồi bán cho đầu nậu ngay tại hiện trường với giá 1m3 trên dưới 1 triệu đồng. Sau khi gom gỗ, đầu nậu dùng tời kéo lên đường rồi chất lên ô tô. Từ đường Xuyên Á, đầu nậu làm luật cho kiểm lâm huyện Tuyên Hoá với giá từ 100 đến 500.000 tuỳ theo xe. Gỗ được mang ra khỏi địa bàn theo các hướng Tuyên Hoá về huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tuyên Hoá - Đồng Hới - Quảng Trạch (Quảng Bình)…
 
Văn Dũng - Hồng Kỹ - Đất Vũ
(Còn nữa)