Đường sắt tốc độ cao đi qua Hà Nội như thế nào?
(Dân trí) - Theo dự thảo quy hoạch, ga Ngọc Hồi sẽ là km số 0 của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời là ga đường sắt đô thị và đường sắt cũ.
Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội. Dự thảo này đã định hình phương án đấu nối dự án đường sắt tốc độ cao với hạ tầng đường sắt của Thủ đô.
Cụ thể, điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) sẽ nằm ở ga Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi, Liên Ninh, Thanh Trì). Đây là tổ hợp ga với chức năng dùng chung cho cả đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia.
Như vậy, đường sắt tốc độ cao sẽ không đi xuyên vào nội thành Hà Nội mà dừng lại ở ga Ngọc Hồi (ngoại thành phía nam). Hành khách sau đó sẽ xuống tàu, lên tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi để đi vào nội đô.
Theo lộ trình từ Hà Nội về phía nam, ĐSTĐC sẽ rời ga Ngọc Hồi, vượt qua đường vành đai và tuyến đường sắt vành đai phía Tây, qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên.
Tại khu vực cuối huyện Phú Xuyên, tuyến sẽ tách ra hướng về phía Đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn trên địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Tiếp đó, tuyến cắt quốc lộ 1, đường sắt hiện tại đi về phía Đông đường cao tốc về thành phố Phủ Lý. Ga Phủ Lý đặt gần khu vực nút Liêm Tuyền, phía Đông đường cao tốc.
Từ sau ga Phủ Lý, tuyến cơ bản đi theo cùng hành lang đường sắt hiện tại đến vị trí giáp ranh giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định. Chiều dài hướng tuyến trong khu đầu mối TP Hà Nội khoảng 65km, trong đó đoạn chạy qua Hà Nội dài 28,71km, còn lại nằm trên địa phận tỉnh Hà Nam.
Trên địa phận thành phố Hà Nội, ĐSTĐC được quy hoạch đi trên cao so với các đường cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh.
Trước đó, từng có đề xuất đường sắt tốc độ cao xuất phát tại Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ) thay vì ga Ngọc Hồi để tiện lợi cho hành khách di chuyển, tăng tính hấp dẫn của phương tiện này.