Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội “đội vốn” 6,5 triệu Euro: Bộ Tài chính lý giải thế nào?
(Dân trí) - Bộ Tài chính khẳng định, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao đoạn Nhốn- ga Hà Nội ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên.
Như Dân trí đã phản ánh, tại kết luận thanh tra về dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện quá trình điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói tăng thêm trên 6,5 triệu Euro, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã tiến hành nhiều cuộc họp lãnh đạo Ban, nhiều lần họp và thương thảo với tư vấn Systra (Pháp), gửi văn bản xin ý kiến các sở ngành liên quan, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các bộ ngành Trung ương.
Tuy nhiên Ban quản lý Đường sắt Hà Nội không có báo cáo kết quả rà soát cụ thể và chưa xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng trọn gói theo các ý kiến chỉ đạo, để thực hiện giảm trừ phần lỗi thuộc trách nhiệm của tư vấn Systra trước khi điều chỉnh hợp đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.
Trong văn bản báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung tố cáo liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ thêm việc điều chỉnh tăng giá trị của Hợp đồng trọn gói tại Phụ lục số 02/PL- TVTHDA-T1 ngày 21/3/2014 của Tư vấn Systra tăng thêm 6.506.555 Euro.
Tổng số ngày chậm trễ của các đơn vị có liên quan là 6.680 ngày
Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh tăng thêm số tiền trên gồm nhiều công việc. Cụ thể, khoản tăng bổ sung chi phí cho thời gian mà Tư vấn Systra đã thực hiện trước khi Hợp đồng có hiệu lực, số tiền là 271.126 Euro.
Theo quy định tại Nghị định số 99/2007, Nghị định số 48/2010 thì Ban Quản lý Đuờng sắt đô thị Hà Nội thanh toán cho Tư vấn Systra số tiền là 271.126 Euro là chưa phù hợp cho việc điều chỉnh tăng chi phí, vì việc huy động nhân sự này nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ trong hợp đồng trọn gói đảm bảo tiến độ của dự án, không có nhiệm vụ nằm ngoài họp đồng trọn gói đã ký.
Nội dung này không nằm ngoài sự kiểm soát và không lường trước được của cả hai bên, vì vậy nội dung này không phải là trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh hợp đồng trọn gói, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến các cấp, trong đó có UBND thành phố Hà Nội, song có nhiều quan điểm khác nhau về khoản tiền nêu trên. Xét thấy thực tế Tư vấn Systra trước khi ký họp đồng có huy động nhân sự để thực hiện các công việc có liên quan đến hợp đồng, vì vậy Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã chấp nhận thanh toán cho Systra khoản tiền này.
Ngoài ra, việc điều chỉnh số gói thầu từ 4 gói ban đầu lên 9 gói hiện nay đã làm tăng công việc của Tư vấn Systra và phải tăng chi phí. Theo quy định tại Nghị định số 99/2007, Nghị định sổ 48/2010 thì nội dung này không phù hợp cho việc điều chỉnh tăng chi phí của hợp đồng do phạm vi công việc không thay đổi, việc lập kế hoạch đấu thầu của dự án, trong đó phân chia ra bao nhiêu gói thầu là công việc của Tư vấn Systra. Ngoài ra, còn có gói thầu khác cần được tính đến trong quá trình thực hiện dự án.
Thực hiện nhiệm vụ trong họp đồng trọn gói, ngày 28/5/2009 (một tháng sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt - tháng 4/2009), Tư vấn Systra đề xuất một kế hoạch đấu thầu, trong đó kế hoạch đấu thầu cho phần xây lắp và thiết bị được chia thành 9 gói thầu.
Trên cơ sở kế hoạch đấu thầu của Tư vấn Systra đề xuất, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3035/2010 về phê duyệt kế hoạch đâu thầu của Dự án, số lượng các gói thầu được giữ nguyên cho đến thời điếm thanh tra (9 gói thầu).
Tuy nhiên, việc phân chia từ 4 gói thầu lớn thành 9 gói thầu nhỏ, trong thực tế có nhiều công việc phải tăng thêm và phải huy động thêm nhân sự để làm việc.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến các cấp, song cũng có nhiều quan điểm khác nhau. UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3035/2010 phê duyệt kế hoạch đấu thầu, với số lượng là 9 gói thầu.
Các nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ kéo dài so với tiến độ của họp đồng trọn gói ban đầu.
Ngoài ra, có một số nhiệm vụ khác của Tư vấn Systra trong hợp đồng cũng chậm trễ kéo dài, nhưng chưa được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thống kê cụ thể và xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết việc chậm trễ trong thực hiện hợp đồng trọn gói được tư vấn Systra thống kê và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thống nhất. Cụ thể, tổng số ngày chậm trễ của các đơn vị có liên quan là 6.680 ngày, thuộc trách nhiệm của các đơn vị cụ thể như sau: PIC (Tư vấn Systra) 4% (chậm 193 lượt ngày); Chủ đầu tư 62.2% (chậm 4.679 ngày); Tư vấn phụ là 9.3% (TEDY chậm 312 ngày; SENER chậm 172 ngày; CDC chậm 44 ngày; TRICC chậm 71 ngày); Sở, ngành (Hà Nội) 17.3% (chậm 983 ngày gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc chậm 608 ngày; Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm 49 ngày; Cục Đường sắt chậm 23 ngày (phê duyệt thiết kế); UBND thành phố Hà Nội chậm 34 ngày; Bộ Giao thông vận tải chậm 269 ngày (giai đoạn Thiết kế kỹ thuật); Nhà tài trợ 7.2% (nhà tài trợ ADB chậm 27 ngày; AFD chậm 199 ngày).
Ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập
Bộ Tài chính khẳng định, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao đoạn Nhốn- ga Hà Nội, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên. Hợp đồng trọn gói có nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các bên.
Hơn nữa, dự án có quy mô lớn và phức tạp, lần đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị trên 10,6 triệu Euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được tính phức tạp khi thực hiện dự án.
Theo họp đồng thì các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải xem xét và phê duyệt hầu hết các hồ sơ mà Tư vấn Systra đệ trình. Việc thiếu kinh nghiệm đã dẫn đến mất nhiều thời gian dành cho việc xem xét, rà soát hồ sơ.
Các ý kiến tham gia của các cấp các ngành không rõ ràng, không thống nhất, với nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi pháp luật Việt Nam có một số nội dung chưa phù họp với các yêu cầu xây dựng tuyến tàu điện ngầm, không phù họp vói thông lệ quốc tế.
Trong quá trình đàm phán thương thảo bổ sung họp đồng trọn gói, có thời điểm Tư vấn Systra đã thông báo cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội về việc dừng cung cấp dịch vụ, nếu như yêu cầu của Systra không được đáp ứng. Điều này dẫn đến dự án có nguy cơ đổ vỡ hậu quả xảy ra không thể lường hết.
Việc thay thế đơn vị Tư vấn khác tuy có được đề cập trong một số cuộc họp, nhưng không khả thi và chưa thống nhất trong tập thế lãnh đạo. Do đó việc Tư vấn Systra đề nghị phải ký phụ lục bổ sung là có cơ sở.
Tuy nhiên việc Tư vấn Systra tự kê khai thời gian chậm trễ, kéo dài làm căn cứ đế tính tiền, trong đó có xác định lỗi của các bên, nhưng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội chưa kiểm tra kỹ đã thanh toán trả tiền cho Tư vấn Systra theo bảng kê của tư vấn là thiếu cơ sở. Việc này cần phải được rà soát lại đế xác định lỗi bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm đối trừ theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, các tiêu chuấn của Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhôn - ga Hà Nội phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ này.
Thế Kha