TPHCM:

Đừng tưởng xe vệ sinh đường, xe tưới cây là… xe ưu tiên

(Dân trí) - Từ vụ tai nạn làm 7 người chết trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho thấy quy định pháp luật vẫn chưa rõ ràng khi các loại xe chuyên dùng cho công tác vệ sinh đường, chăm sóc cây xanh đang bị nhầm tưởng là loại xe ưu tiên.

Vụ tai nạn trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương làm 7 người chết (trong đó có cặp vợ chồng người Pháp) và nhiều người bị thương đang ra câu hỏi lớn về trách nhiệm, chức năng của xe bồn. Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) thì từ vụ tai nạn trên, cho thấy có lỗ hổng trong các quy định luật về lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB).

Chiếc xe bồn đã cản trở giao thông gây ra vụ tai nạn
Chiếc xe bồn đã cản trở giao thông gây ra vụ tai nạn

Theo luật sư Hưng, hiện tại, hoạt động của các loại xe chuyên dùng phục vụ cho công tác vệ sinh đường bộ, chăm sóc cây xanh trên đường phố chưa được Luật GTĐB điều chỉnh. Thực tế, các loại xe này đang hoạt động như loại xe ưu tiên, di chuyển, dừng đổ không theo quy chuẩn nào thống nhất, nếu có thì chỉ có quy chế nội bộ của đơn vị quản lý các loại xe này. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những phương tiện tham gia giao thông đường bộ và cần phải được điều chỉnh bởi Luật GTĐB. Nếu không, khi tại nạn xảy ra, việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn, vụ tại nan trên đường Cao tốc Trung Lương vừa xảy ra là một ví dụ. Các cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Xe bồn phải có trách nhiệm

Theo quy định của Luật GTĐB, xe bồn cũng là một phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nên phải tuân thủ các quy định của Luật GTĐB. Cũng theo quy định của luật này, xe bồn không phải là xe ưu tiên, nên việc tuân thủ các quy định của Luật GTĐB là tuyệt đối. Quyết định số 195/QĐ-BGTVT ngày 21/1 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về tổ chức quản lý khai thác tạm thời đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có đoạn có quy định: “Người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc trong giai đoạn khai thác tạm thời có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ), nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường”. Tuy nhiên, quy định này không rõ ràng và cũng không phải văn bản quy phạm pháp luật, nên nếu có nội dung trái với quy định của luật thì không có giá trị pháp lý. 

Chưa làm rõ trách nhiệm của tài xế xe bồn và đơn vị quản lý trong vụ tai nạn thảm khốc
Chưa làm rõ trách nhiệm của tài xế xe bồn và đơn vị quản lý trong vụ tai nạn thảm khốc

Trong vụ tai nạn làm 7 người chết vừa xảy ra trên cao tốc TPHCM – Trung Lương, theo quy định, xe bồn này đã vi phạm về tốc độ trên đường cao tốc. Đây là hành vi vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, nên khi xảy ra hậu quả, người điều khiển xe bồn này phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 Bộ luật Hình sự - Tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Người điều khiển xe khách cũng có lỗi, nhưng vì người này đã chết, nên sẽ không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo khoản 7 điều 107 Bộ luật Hình sự.

“Trong trường hợp này, lỗi gây ra tại nan giao thông là lỗi hỗn hợp của xe khách và xe bồn. Nên, có cơ sở để Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố vụ án về hành vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, luật sư Hưng nói.

Những nạn nhân của vụ tai nạn
Những nạn nhân của vụ tai nạn

Cũng theo luật sư Hưng, Cục Quản lý đường bộ - Bộ Giao thông vận tải nếu cho phép xe bồn được lưu thông vào đường cao tốc cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, chiếu theo Luật GTĐB và các quy định liên quan, chưa có văn bản luật nào quy định quy trình vận hành của xe chuyên dùng trên đường cao tốc ví dụ như quy định tốc độ, thời gian vận hành, biển báo và các biện pháp đảm bảo an toàn khác.

Vì vậy, sự cho phép xe của Cục Quản lý đường bộ, nếu có, là không có giá trị và các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc cấp phép này phải chịu trách nhiệm hành chính trước quyết định của mình.

Công Quang