1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tai nạn trên cao tốc Trung Lương:

Xe khách tông xe bồn: Lời kể kinh hoàng của lái xe cứu thương

(Dân trí) – “Nghe tài xế chạy ngược chiều báo có tai nạn trước mặt, tôi hú còi tăng tốc. Tại hiện trường, người bị thương, người tử vong nằm trên đường, toàn thân bê bết máu. Chiếc xe cứu thương chỉ đủ chỗ cho 5 người… đến bệnh viện mở cửa ra thì hai người đã chết.”

Cố tận dụng thời gian vàng cho nạn nhân

Nhiều người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Trung Lương – TPHCM không khỏi ngạc nhiên bởi chỉ vài phút sau khi tai nạn xảy ra, chiếc xe cứu thương của bệnh viện Chợ Rẫy đã xuất hiện. Chân dung của người tài xế xe cứu thương ấy được xác định là anh Lê Hữu Hảo (43 tuổi) thuộc đội xe của bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo lời kể của anh Hảo, sáng cùng ngày anh được giao nhiệm vụ chuyển một bệnh nhân mang trọng bệnh từ Chợ Rẫy về Bến Tre để gia đình lo hậu sự. “Sau khi đưa bệnh nhân về đến nhà, tôi điều khiển xe trở lại bệnh viện, đến trạm thu phí Tiền Giang, khi đang làm thủ tục qua trạm tôi nghe tài xế chạy ngược chiều báo phía trước có tai nạn, rất nhiều người bị thương.”

Nỗ lực của anh Hảo đã đưa được 5 nạn nhân tới bệnh viện
Nỗ lực của anh Hảo đã đưa được 5 nạn nhân tới bệnh viện

Theo phản xạ của một tài xế chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu, anh Hảo hú còi xe, tăng tốc. “Ít phút sau, tôi thấy cảnh nhốn nháo, vừa dừng xe bước xuống, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Phía sau chiếc xe bồn là chiếc xe khách đã bẹp nát đầu, người bị thương, người tử vong nằm trên đường, toàn thân bê bết máu, có nạn nhân chân tay gãy...”

Cố gắng hướng dẫn mọi người các thao tác đơn giản nhất khi cấp cứu tai nạn, anh Hảo mở cửa xe bỏ băng ca chuyển thương lại hiện trường rồi cùng người dân đưa bốn nạn nhân “thoi thóp thở” và một thai phụ tương đối tỉnh táo lên xe. “Tôi muốn chở được càng nhiều nạn nhân càng tốt nhưng xe đã hết chỗ. Với tình trạng bị thương quá nặng, tôi biết thời gian là vàng đối với nạn nhân. Hú còi chạy với tốc độ cho phép để tránh rủi ro có thể xảy ra nhưng trong đầu tôi luôn suy nghĩ làm sao để đến được bệnh viện càng sớm càng tốt. Khoảng 45 phút sau, xe chạy tới khoa cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy, mở cửa ra thì hai người đã chết...”

Nhiều năm chạy xe, chứng kiến không ít vụ tai nạn, hơn 4 tháng ôm vô lăng xe cứu thương với không ít ca thương vong nhưng anh Hảo “hơi bị sốc” trước vụ tai nạn trên cao tốc Trung Lương. “Tôi chưa từng thấy vụ tai nạn nào thảm khốc với nhiều người thương vong như thế. Có tận mắt chứng kiến mới thấy sự kinh hoàng.” Sau chuyến xe chuyển bệnh bất đắc dĩ, quá căng thẳng ngày 17/4 anh Hảo phải cắt phép để nghỉ ngơi.

3 người trong một gia đình gặp nạn
 
Thai phụ được anh Hảo nhắc tới khi chuyển 5 nạn nhân tới Chợ Rẫy là chị Trần Thị Hồng Thắm (25 tuổi). Anh Hảo cho biết, chị Thắm khá tỉnh táo, ngồi được phía trước xe cứu thương suốt dọc đường. Nhưng khi được hỏi chị về hành trình trên đường đến bệnh viện, người phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ sáu này không nhớ được chi tiết nào. Một ngày sau tai nạn, qua kiểm tra bác sĩ cho biết chị Thắm bị gãy xương sườn số 1, tràn khí màng phổi, chấn thương gối trái. Thai nhi và thai phụ đang được theo dõi liên tục song chưa có dấu hiệu nào cho thấy thai nhi bị ảnh hưởng trực tiếp từ những chấn động của vụ tai nạn.

Chị Hồng Thắm may mắn thoát chết nhờ bị đổi chỗ ngồi
Chị Hồng Thắm may mắn thoát chết nhờ "bị" đổi chỗ ngồi

Nhớ lại chuyến đi định mệnh, chị Thắm cho biết, sau khi về quê làm xong thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, chị Thắm được mẹ là bà Trần Thị Tươi (44 tuổi) chở ra bến bắt xe về lại TPHCM. Là một trong những hành khách đầu tiên của chuyến xe, trước khi rời bến người mẹ đã chọn cho cô con gái đang mang bầu chỗ ngồi đầu tiên cạnh tài xế. “Chạy được một đoạn thì bác tài yêu cầu tôi chuyển xuống băng ghế phía sau vì chỗ tôi đang ngồi đã có người đặt trước. Tôi thấy hơi phật ý nhưng cũng chấp nhận di chuyển xuống băng ghế số 3 bên phải. Không ngờ vị trí ấy đã giúp mẹ con tôi thoát chết.”

Bị gãy chân, gãy tay dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sau tai nạn bà Lê Thị Sen (61 tuổi) đã vĩnh viễn mất đi người chồng thương yêu là ông Trần Văn Hải (71 tuổi). Người con trai của bà là Trần Thanh Phong (38 tuổi) cũng đang phải cấp cứu vì chấn thương sọ não. Buổi sáng định mệnh, ba người trong gia đình bà đón xe lên TPHCM đi khám bệnh, thì tai nạn xảy ra. “Sau tiếng động kinh hoàng tôi nghe thấy tiếng la hét, quay sang phía ông xã thì thấy ông đã bất tỉnh, con trai tôi cũng nằm gục ở băng ghế phía trước. Ông Hải đã tử vong trên đường đến bệnh viện, gia đình đang cố gắng giấu để tránh cho bà Sen gặp thêm cú sốc tâm lý.

Bà Sen (nằm bên phải) vẫn chưa biết chồng mình đã tử vong sau tai nạn
Bà Sen (nằm bên phải) vẫn chưa biết chồng mình đã tử vong sau tai nạn

Chiều 17/4, PGS.TS Nguyễn Văn Khôi - Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện bảy nạn nhân của vụ tai nạn đang được chăm sóc tích cực tại các chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, Chấn thương sọ não, Ngoại lồng ngực… với tình trạng sức khỏe đã tạm ổn. Ngay sau khi tiếp nhận các nạn nhân từ vụ tai nạn hàng loạt trên cao tốc Trung Lương, Ban Giám đốc chỉ đạo các khoa tập trung nhân vật lực để cứu chữa, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho người bệnh.”

Liên quan đến hành động đầy tính nhân văn và trách nhiệm trong nỗ lực chuyển nạn nhân đi cấp cứu của tài xế Lê Hữu Hảo, PGS.TS Nguyễn Văn Khôi thông tin: “Để biểu dương hành động của anh Hảo, ngày 17/4 Giám đốc bệnh viện đã ký quyết định tặng giấy khen và thưởng nóng cho anh Hảo số tiền 500 nghìn đồng.”

Vân Sơn – Công Quang