Đưa chủ cây về Đắk Lắk xác định nguồn gốc cây “quái thú” thứ 3
(Dân trí) - Trong 3 cây “khủng” bị tạm giữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có 2 cây có hồ sơ hợp lệ đã được trao trả lại cho chủ cây. Còn 1 cây do hồ sơ không khớp nên Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã đưa chủ cây về nơi khai thác để xác định nguồn gốc cây.
Chiều 9/4, ông Bùi Tiến Hoàng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (Đắk Lắk) - cho biết, đơn vị đã đưa ông Kiều Văn Chương (ngụ huyện Thạch Thất, TP Hà Nội - chủ 3 cây "khủng") cùng tổ công tác tiến hành xác minh nguồn gốc cây cổ thụ có hồ sơ bị nghi ngờ.
Cũng theo ông Hoàng, dựa vào công văn của Kiểm lâm Thừa Thiên Huế gửi vào, Hạt Kiểm lâm huyện đã đi theo hướng lời khai của người mua cây để xác định được vị trí cây đã được khai thác. Qua đó, phát hiện cây này không phải có nguồn gốc ở xã Ea Hồ mà nằm tại xã Ea Đah (huyện Krông Năng); Cây nằm trong khu vực đất nông nghiệp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, đó là cây đa sộp của hộ ông Nguyễn Văn Điệp (thôn Xuân Nguyên, xã Ea Đah, huyện Krông Năng). Tại hiện trường, Hạt Kiểm lâm xác nhận có dấu vết của việc khai thác cây trên đất, hiện phần đất này đã được san lấp để trồng cây khác.
“Hạt Kiểm lâm đã làm việc cùng chính quyền địa phương, đơn vị này có cho biết có hộ ông Điệp xin bứng cây đa chuẩn bị đổ vào nhà. Phía chính quyền cũng giải thích không khuyến khích nhưng không cấm, còn quyền bứng nhổ cây trong vườn là quyền của dân”, ông Hoàng thông tin.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cũng cho biết, việc mua bán cây này đã được ông Chương và ông Điệp thỏa thuận với nhau, không có ý kiến của chính quyền địa phương.
“Trong trường hợp này người mua và người bán chỉ vi phạm việc định kiểm do cây này không nằm ở rừng tự nhiên. Hiện đơn vị đã làm báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh để có hướng xử lý vụ việc”, ông Hoàng nói thêm.
Trước đó, ông Kiều Văn Chương đã khai nhận tại cơ quan công an, ông vào Đắk Lắk mua 3 cây cổ thụ từ người dân ở các huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk với giá 3 lần lượt là 14 triệu, 15 triệu và 20 triệu đồng. Sau đó, ông thuê xe khai thác, vận chuyển và mang bán lại cây này để kiếm lời.
Liên quan đến vụ việc 3 cây “quái thú” bị tạm giữ ở Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã xác định có 2 cây có nguồn gốc hợp lệ được khai thác tại địa bàn xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Riêng cây thứ 3, trong hồ sơ thể hiện có nguồn gốc thuộc hộ H’Yô Na Byă (ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và được Phó Chủ tịch xã này xác nhận.
Tuy nhiên, qua làm việc bà H’Yô Na Byă khẳng định gia đình bà không hề có bất cứ cây đa sộp nào và cũng chưa từng mua bán cây. Còn Phó Chủ tịch xã này thừa nhận đã không đọc kỹ văn bản khi đóng dấu xác nhận việc khai thác, vận chuyển cây.
Trước thông tin trái chiều về hồ sơ cây “quái thú” thứ 3, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng đã tiếp tục vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc cây này.
Thúy Diễm