Đưa bảo vật quốc gia về Việt Nam bằng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Hoa Lê

(Dân trí) - Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa nhằm hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.

Chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, dự thảo luật quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ.

Theo ông Vinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Đưa bảo vật quốc gia về Việt Nam bằng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Phạm Thắng).

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, dự luật cần bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, quy định các chính sách cho nghệ nhân, cho cộng đồng, cá nhân thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn về kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, không gian văn hóa liên quan... tại dự thảo luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để chính sách phù hợp với từng đối tượng, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết.