1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự trữ quốc gia rối vì… ôm đồm?

(Dân trí) - Dù tiền không còn đứng trong danh mục dự trữ quốc gia, nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp chiều 24/10 vẫn “lăn tăn” cân nhắc về vai trò của vàng và ngoại tệ. Mục tiêu bình ổn giá khi làm dự trữ quốc gia cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Đây là kỳ thứ 2 dự luật Dự trữ quốc gia được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Bản báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của UB Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật đề ra mục là quá rộng so với nguồn lực, chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia khi “ôm” cả vai trò tham gia bình ổn thị trường…

UB Thường vụ cho rằng, trên thực tế, ngay cả ở những nước phát triển, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì nguồn lực này cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống khẩn cấp, đặc biệt nghiêm trọng.

Để tránh dàn trải, Thường vụ Quốc hội quyết định chỉnh lý nội dung điều 1 theo thu hẹp mục tiêu của dự trữ, chỉ tập trung vào mục tiêu phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
 
Dữ trữ quốc gia rối vì… ôm đồm?
Tham vọng lớn, mục tiêu ôm đồm, danh mục hàng dàn trải... là những điểm nhận nhiều ý kiến "công kích".

Tán thành quan điểm thu hẹp mục tiêu, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhấn mạnh yêu cầu dự trữ quốc gia phải chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) phân tích thêm, trong điều kiện hiện nay nền kinh tế của nước ta còn chưa phát triển, cân đối ngân sách nhà nước đứng trước nhiều khó khăn khi nguồn thu hạn hẹp, nhưng nhu cầu chi ngày càng lớn, chưa thể dành nguồn lực lớn cho dự trữ quốc gia. Việc đưa ra mục tiêu rộng sẽ làm loãng đi những nhiệm vụ trọng tâm của dự trữ quốc gia. Ông Huynh nhất trí quan điểm chỉ nên sử dụng dự trữ quốc gia để giải quyết những vấn đề cấp bách như nội dung chỉnh lý UB Thường vụ nêu ra.

Ngược lại, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) dẫn chứng, về thực tiễn, thời gian qua, thực hiện theo Pháp lệnh hiện hành, dự trữ quốc gia đã tham gia tốt vào việc bình ổn thị trường. Ngoài ra, dự trữ quốc gia là một trong những công cụ tài chính nên việc tham gia của dự trữ quốc gia vào bình ổn thị trường đã được quy định.

Ông Minh lập luận, dù trong luật không quy định mục tiêu bình ổn thị trường của dự trữ quốc gia nhưng một số điều khoản của dự án luật vẫn nhắc đến cụm từ này và thực tế hoạt động, nguồn dự trữ quốc gia cũng đã thực hiện chức năng này. Đại biểu lấy ví dụ một cuộc biến động thời gian trước ở Bà Rịa – Vũng Tàu khiến giá lương thực thực phẩm ở đây đội lên chóng mặt. Thủ tướng Chính phủ khi đó đã quyết định xuất hàng dự trữ đưa về tỉnh này bán, tăng lượng cung hàng và đã bình ổn được thị trường ở đây, không gây xáo trộn lan tỏa đến các địa phương khác.

“Việc bình ổn thị trường của ta hiện cũng còn khó khăn, cần huy động tất cả các phương tiện, nguồn lực nên vẫn cần duy trì mục tiêu, nhiệm vụ này” - đại biểu đề nghị bổ sung trở lại nội dung "tham gia bình ổn thị trường" vào dự thảo luật.

Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) lại cho rằng không cần thiết phải có điều khoản quy định về mục tiêu của dự trữ quốc gia trong Luật, có thể lồng ghép nội dung về mục tiêu vào các điều khoản khác.

Chuyển sang nội dung xác định danh mục hàng dự trữ quốc gia, một lần nữa, UB Thường vụ Quốc hội lại nhận định dự thảo luật đã quá “ôm đồm”, phạm vi hàng hóa được quy định còn chung chung, dẫn đến thiếu chặt chẽ trong áp dụng, không phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia (Theo dự thảo, hàng dự trữ quốc gia là lương thực, vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị cứu hộ, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ quốc phòng; thiết bị y tế; hệ thống thu phát thanh…).

Thường vụ Quốc hội quyết định chỉnh sửa quy định theo hướng thu hẹp phạm vi hàng hóa được quy định trong Danh mục, theo đó, chỉ lựa chọn những mặt hàng chiến lược, thiết yếu phục vụ an ninh, quốc phòng và tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn).

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề có nên trữ vàng và ngoại tệ? Theo đại biểu, thực tế hiện nay nhiều nước trên thế giới đều dự trữ vàng và ngoại tệ để phòng cho những vấn đề đột xuất của nhà nước.

Ông Thành cũng đề nghị bổ sung thêm vào danh mục dự trữ dầu hỏa vì đây là một mặt hàng rất cần thiết khi có tình trạng thiên tai và bão lũ khẩn cấp xảy ra, đặc biệt liên quan đến vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, phục vụ cho dân sinh.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại lưu ý chi tiết, trong 11 chủng loại hàng hóa được quy định ở dự thảo luật, chỉ có 3 chủng loại được quy định cụ thể, như thóc, gạo, muối ăn, xăng, dầu thô... 8 chủng loại còn lại thì quy định theo nhóm. Điều này dễ dẫn đến cách hiểu chung chung, phạm vi rộng và có thể gây lãng phí, không phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia.

P.Thảo