1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ

Doãn Công

(Dân trí) - Chủ động ứng phó với mưa lũ năm nay, tỉnh Bình Định đã dự trữ hơn 7.300 tấn gạo, hàng ngàn thùng lương khô, mỳ tôm... cùng các loại thuốc khử khuẩn, sát trùng Cloramin B để khử khuẩn nguồn nước.

Còn 11.000 người dân sống trong vùng nguy hiểm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, để chủ động ứng phó với mưa lũ năm nay, UBND tỉnh chuẩn bị các kịch bản, phương án phòng chống thiên tai theo phương án “4 tại chỗ”.

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ - 1
Tỉnh Bình Định yêu cầu di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở núi Gành (huyện Phù Cát) có nguy cơ bị sạt lở do mưa lớn.

Theo đó, đối với lực lượng tại chỗ, ngoài lực lượng chính quy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã bổ sung, kiện toàn hơn 400 Đại đội dự bị động viên, Trung đội dân quân cơ động và đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các thôn, khu phố... Tỉnh Bình Định cũng  đã thành lập mới 159 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, mỗi đội từ 50 đến 70 người sẵn sàng nhận lệnh khi có yêu cầu.

Về lương thực, đến nay tỉnh Bình Định đã dự trữ hơn 7.300 tấn gạo, hàng ngàn thùng lương khô, mỳ tôm, hàng triệu lít dầu diezen…cùng hàng chục ngàn cơ số thuốc khử khuẩn, sát trùng Cloramin B dạng bột và viên để khử khuẩn nguồn nước.

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ - 2
Đoàn kiểm tra công tác ứng phó thiên tai Trung ương kiểm tra hồ đập tại Bình Định

Ông Châu cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Định vẫn còn gần 3.000 hộ dân với gần 11 nghìn người nằm vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt trong mùa mưa lũ nằm ở TP Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ… Có 5 hồ đập hoàn thành vượt lũ, tuy nhiên vẫn còn 15 hồ chứa xuống cấp, đe dọa nghiêm trọng khi mưa lũ lớn, cần phải triển khai các biện pháp gia cố, sẵn sàng lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.

Đáng quan ngại là vụ mùa năm 2020 Bình Định gieo sạ 7.534ha lúa; trong đó lúa sạ là 3.412ha, lúa gieo khô 4.122ha. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được 1.834ha, còn lại 5.700ha đang trổ, làm đòng có nguy cơ hư hại trong đợt mưa lũ sắp tới.

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ - 3
Kè biển xã Nhơn Hải cơ bản hoàn thành

“Liên tiếp trong 4 năm trở lại đây, Bình Định là địa phương hứng chịu rất nhiều thiệt hại từ mưa bão. Trong đó, sự cố 9 tàu hàng bị đắm ở vịnh Quy Nhơn trong cơn bão số 12 (năm 2017) khiến cho gần 90 thủy thủ, thuyền viên, du khách bị rơi xuống biển, hơn 10 người tử vong. Năm 2019, Bình Định tiếp tục chịu 2 cơn bão làm cho hơn 30 tàu cá ngư dân bị đắm và hàng chục tàu bị đứt neo, trôi dạt. Đặc biệt, trong cơn bão cuối năm 2019 triều cường còn cuốn sập tuyến kè biển xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) làm sập và hư hỏng 14 ngôi nhà…”, ông Châu nói.

Đặc biệt, Bình Định còn hơn 1.500 ha lúa vụ thu chưa đến kỳ thu hoạch, nếu gặp mưa lũ thiệt hại sẽ rất lớn.

Di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống mưa bão năm 2020 và ứng phó với áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông tại Bình Định vào chiều qua (9/10), ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đánh giá rất cao công tác chuẩn bị, điều hành ứng phó với thiên tai của địa phương. Tuy nhiên, ông Tiến yêu cầu tỉnh Bình Định cần chủ động ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” đã được lên kế hoạch. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp cần chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới sắp tới.

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ - 4
Người dân xã biển Nhơn Hải đã chủ động đưa lồng bè lên bờ để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.

Qua đó, ông Tiến yêu cầu các ngành chức năng tỉnh Bình Định chủ động triển khai ngay các phương án để cảnh báo ở khu vực tàu đắm, không để xảy ra trình trạng và vào tàu chìm như vừa rồi. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đã đền kỳ thu hoạch hoặc có phương án bảo đảm an toàn đối với diện tích chưa đến kỳ thu hoạch. Kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp sẵn sàng có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.

Dự trữ hơn 7.300 tấn gạo chủ động ứng phó mưa lũ - 5
Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Ông Tiến cũng yêu cầu phải đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện trong lũ và sau lũ. Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố để đảm bảo giao thông suốt trên các trục đường giao thông chính. Nhất là đảm bảo an toàn cho các em học sinh, giáo viên trong tình huống mưa lũ. Tùy vào tình hình thực tế, ngành Giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học khi xảy ra mưa lũ lớn…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm