Dự thảo Luật Trẻ em: Xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến của các tầng lớp xã hội nhằm góp ý về Dự thảo Luật Trẻ em. Đây là dự thảo luật được điều chỉnh từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cách đây hơn 10 năm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), tên mới là Luật Trẻ em sẽ bao gồm 6 chương và 97 điều (tăng thêm 1 chương và 37 điều so với Luật hiện hành).

Dự thảo đang được đưa lên website của Bộ LĐ-TB&XH để lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp xã hội.

Một trong những điểm mới của Dự thảo là đề xuất quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, thay vì quy định dưới 16 tuổi như luật hiện hành.

Dự thảo nêu rõ các quyền và bổn phận của trẻ em, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em; bảo đảm các quyền tham gia của trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quyền trẻ em…

Được biết, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc Hội ban hành lần đầu tiên vào năm 1991. Tới năm 2004, Luật được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2005.

Luật là hệ thống các quy định và điều chỉnh các quyền cơ bản của trẻ em, xây dựng khuôn khổ pháp lý trong công tác bảo vệ trẻ em. Đồng thời, Luật cũng là sự thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em (CRC).

Sau hơn 10 năm, Luật đã tồn tại một số bất cập như: Quy định tuổi của trẻ em chưa phù hợp với CRC, chưa bảo đảm tính thống nhất trong trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhiều quyền trẻ em được quy định trong CRC chưa được Luật 2004 quy định và cần đưa một số chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, quy định của Luật còn chung chung, thiếu sự phân công rõ ràng, thiếu sự phối hợp…

Hoàng Mạnh