1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM:

Đủ chiêu trộm nước sạch

Tình trạng trộm nước sạch hết sức nghiêm trọng vì có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống chung, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Gian lận nước sạch trên địa bàn TPHCM đang có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hành vi này không chỉ gây thất thoát lượng lớn nước sạch mà còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm hệ thống cung cấp nước do việc đấu nối, sử dụng vô tội vạ.

Đủ chiêu trộm nước sạch
Một hộ sản xuất giá ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM gian lận nước bị phát hiện. Ảnh: VL

Mất 2,4 tỉ đồng/năm

Công ty Cổ phần Cấp nước (CPCN) Chợ Lớn là đơn vị đứng đầu danh sách các công ty thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) bị gian lận nước. Chỉ trong năm 2012, đơn vị này bị 74 khách hàng “chôm” 154.128 m3 nước sạch, tương đương 2,4 tỉ đồng. Ông Thái Hồng Lĩnh, Phó Phòng Dịch vụ khách hàng của Công ty, cho biết khu vực xảy ra gian lận nước thường ở vùng ven, như quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh.

Từ lượng nước sử dụng giảm bất thường, tháng 7/2012, Công ty CPCN Chợ Lớn kiểm tra đột xuất và phát hiện hộ ông Đào Văn Thành, ngụ đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cắt tê trước đồng hồ (đấu nối sử dụng nước không qua đồng hồ). Qua tính toán, hành vi gian lận này đã kéo dài khoảng 2 năm với lượng nước mà ông Thành “xài chùa” là 7.500 m3, tương đương 131 triệu đồng.
Một nhân viên tham gia xử lý vụ việc cho biết hành vi của ông Thành dù không mới nhưng tinh vi ở chỗ đoạn cắt tê được chôn sâu dưới đất nên rất khó phát hiện. Manh mối quan trọng để phát hiện hành vi gian lận của hộ ông Thành là nhà ông có cơ sở sản xuất giá với quy mô 75 kg/ngày, thêm vào đó là nhiều nhân khẩu cùng tạm trú nhưng hằng tháng hộ này chỉ tiêu thụ 20 m3 nước.
Điều đáng nói là cách đây gần 3 năm (tháng 6/2010), cũng chính ông Thành thuê một căn nhà khác tại phường Bình Hưng Hòa A để sản xuất giá và “ăn cắp” 1.000 m3 nước, bị Công ty phát hiện lập biên bản.

Trên địa bàn do Công ty CPCN Phú Hòa Tân quản lý, trong năm 2012, số trường hợp gian lận nước bị công ty kiểm tra phát hiện cũng khá cao: 52 trường hợp với lượng nước gian lận trên 28.000 m3, tương đương hơn 400 triệu đồng. “So với năm 2011, năm 2012 số trường hợp “ăn cắp” nước tăng gấp 3 lần. Gian lận nước sạch đang có chiều hướng tăng mạnh!” - ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Giám đốc Công ty CPCN Phú Hòa Tân, lo lắng.

Doanh nghiệp cũng gian lận

Đối tượng gian lận không chỉ hộ gia đình. Gần đây đang rộ lên tình trạng nhiều doanh nghiệp tư nhân thi công các công trình của TP cũng “ăn cắp” nước sạch. Tháng 11/2012, Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện Công ty TNHH TM-DV-XNK Lê Thanh (quận 7) đấu nối trực tiếp vào đường ống nước 600 mm để lấy nước trồng cây xanh dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, đồng thời dẫn vào bồn chứa để 30 công nhân tắm giặt, sinh hoạt thoải mái tại lán trại
Qua làm việc, lãnh đạo Công ty Lê Thanh khai nhận đã sử dụng nước gian lận từ năm 2010. Công ty CPCN Chợ Lớn đã lập biên bản vụ việc với khối lượng nước bị gian lận là 8.640 m3, tương đương 100 triệu đồng.
Mới đây nhất, tháng 4/2013, Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tiến Lộc (phường 25, quận Bình Thạnh) thi công bờ kè Tân Hóa - Lò Gốm cắt tê trên hệ thống ống nhánh để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho công nhân.
Trong quá trình thi công, Công ty Tiến Lộc còn làm bể ống, gây thất thoát nước. “Cả 2 doanh nghiệp này dù bị bắt quả tang nhưng đều không hợp tác và không thanh toán tiền nước đã “ăn cắp” theo thông báo của chúng tôi!” - ông Lĩnh bức xúc.

Lo nguồn nước sẽ bị đầu độc

Theo SAWACO, thống kê từ năm 2012 đến nay, có 181 khách hàng gian lận nước bị phát hiện với nhiều hình thức khác nhau, như cắt tê trước đồng hồ, cưa ngang mặt số, phá mặt số đồng hồ, đấu nối chung 2 hệ thống nước

Trong số 74 trường hợp gian lận nước bị Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện, có 20 trường hợp các hộ dân thuê nhà ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) để làm cơ sở sản xuất giá với hành vi gian lận chủ yếu là cắt tê trước đồng hồ, châm kẽm sau đồng hồ để “hãm” lượng nước sử dụng qua đồng hồ. Các hộ dân này đều “ngụy trang” để qua mắt nhân viên kiểm tra bằng cách đào giếng khoan rồi nói sử dụng nước giếng nhưng thực tế kiểm tra giếng không hoạt động.

Theo Phòng Dịch vụ khách hàng của Công ty CPCN Phú Hòa Tân, một trong những hành vi gian lận xảy ra trên địa bàn do đơn vị quản lý là khách hàng bơm ngược nước giếng vào nước máy để đồng hồ quay chậm. Vào tháng 10/2012, công ty đã kiểm tra và lập biên bản xử lý một hộ dân ở đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, với hành vi bơm ngược nước giếng vào nước máy.
Ông Nguyễn Văn Đắng cảnh báo đây không chỉ là hành vi “ăn cắp” nước mà nghiêm trọng hơn là làm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống chung, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước của hàng triệu người dân.

Khó xử lý

Theo các công ty cấp nước, rất nhiều hành vi gian lận nước có mức độ vi phạm nghiêm trọng, số tiền phải truy thu lớn nhưng chỉ dừng lại ở hình thức “thỏa thuận bồi thường thiệt hại” giữa đơn vị cấp nước và khách hàng.

Theo Quyết định 20 do UBND TPHCM ban hành năm 2007 về việc cung cấp, sử dụng và bảo vệ hành lang cấp nước trên địa bàn TP, đối với những khách hàng gian lận thì ngoài việc truy thu, đơn vị cấp nước được truy cứu trách nhiệm hình sự.

Song, ông Thái Hồng Lĩnh cho biết: “Chúng tôi rất khó truy cứu người gian lận vì việc đưa ra tòa rất phức tạp, nhiều thủ tục rắc rối nên chủ yếu chỉ áp dụng hình thức truy thu”. Chính không có hình thức chế tài mạnh nên không ít trường hợp sẵn sàng “ăn cắp” nước lần hai mà không sợ bị xử lý.

“Hiện thiếu luật quy định về xử lý hành vi trộm cắp nước, các văn bản dưới luật chưa đủ tính pháp lý để làm cơ sở xử lý. Vì vậy, cơ quan thẩm quyền cần có quy định xử phạt hành chính như ngành điện lực đang áp dụng mới có thể hạn chế được khách hàng vi phạm”- ông Lĩnh đề xuất.

Theo Quý Hiền
 Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm