1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn

(Dân trí) - Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé thực hiện tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang trị giá 3.300 tỷ đồng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ vùng bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhà thầu thi công cam kết sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ tối thiểu 3 tháng…

Ngày 9/11, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang cùng tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp , Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng... Lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu cũng dự hội nghị.

Hội nghị được tổ chức ngay tại vị trí sẽ triển khai công trình lớn nhất của dự án, xây dựng cống Cái Lớn dưới lòng sông Cái Lớn tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Gói thầu có giá trị 1.800 tỷ đồng do liên danh trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (Công ty Trung Chính) - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn - Công ty TNHH Hòa Hiệp thực hiện. Thời gian thực hiện công trình dự kiến là 25 tháng.

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn - 1

Máy móc, thiết bị được các nhà thầu tập kết tại vị trí sẽ xây dựng cống Cái Lớn dưới lòng sông Cái Lớn.

Trong giai đoạn 1, các nhà thầu sẽ thực hiện việc xây dựng cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I; cống Cái Bé (cấp II) và xây dựng đê nối hai cống với Quốc lộ 61 (cấp III). Cống Cái Lớn sẽ được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, có tổng chiều dài 470 mét, gồm 11 khoang cống rộng 40 mét/khoang, có cao trình ngưỡng -3,5 đến -6,5 mét; hai âu thuyền rộng 15 mét/âu thuyền, cao trình ngưỡng -5 mét, đi theo hai chiều ngược nhau.

Cống Cái Bé được xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, có tổng chiều dài 85 mét, gồm 2 khoang rộng 35 mét/khoang, cao trình ngưỡng -5 mét và âu thuyền rộng 15 mét, cao trình ngưỡng -4 mét.

Còn tuyến đê nối 2 cống với Quốc lộ 61 có tổng chiều dài 5,843 km được chia làm hai giai đoạn, gồm đoạn từ cống Cái Lớn đến cống Cái Bé có chiều dài 1,031 km; đoạn từ cống Cái Bé đến Quốc lộ 61 có chiều dài 4,812 km. Mặt đê được xây dựng có bề rộng 9 mét, cao trình 2 mét.

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn - 2
Hình ảnh cống Cái Lớn khi hoàn thành

Nói về quá trình lập, phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, theo quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Kế hoạch châu thổ ĐBSCL do Chính phủ Hà Lan lập.

Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, đây là dự án phức tạp về kỹ thuật và xã hội. Do vậy, trong quá trình lập, thẩm định dự án, Bộ đã rất thận trọng, tập trung các đơn vị và chuyên gia đầu ngành của mọi lĩnh vực, giao cho nhóm chuyên gia, nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá độc lập. Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện việc phản biện xã hội về dự án, với nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề để lấy ý kiến nhiều nhóm đối tượng…

Kết quả nghiên cứu cho thấy dự án đáp ứng nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước, hỗ trợ việc sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái tự nhiên cho vùng mặn, ngọt, lợ trong vùng dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được toàn bộ các thành viên Hội đồng thẩm định (21/12 người) thông qua, Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo sau đó.

Với những lo ngại dự án sẽ làm ứ tắc sông Hậu khi dòng nước không thể thoát ra biển Tây, báo cáo ĐTM đã giải đáp từng nội dung chi tiết. 2 nhóm chuyên gia độc lập sau đó đều thống nhất với hướng xử lý đề ra.

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn - 3
Hội nghị diễn ra ngay tại công trường thi công cống Cái Lớn.

Vùng hưởng lợi từ dự án thủy lợi này có diện tích tự nhiên xấp xỉ 385.000 ha, trong đó 345.000 ha là đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Dự án cũng là điểm kết nối tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng mặt đất hạ thấp (do sụt lún đất), giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Công trình thủy lợi này cũng sẽ góp phần cấp nước ngoại trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Dự án hướng tới mục tiêu kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Dũng chia sẻ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây tác động rất lớn tới vùng ĐBSCL. Cuộc sống của người dân những năm qua bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào sự thất thường của thiên tai, nguồn nước. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, nước nhiễm mặn, sạt lở đất… đã bộc lộ mỗi lúc một gay gắt qua các năm.

Trung ương cũng như địa phương đã phải đối phó rất chật vật với tình hình đó. 2000 tỷ đồng đã được rót về để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, thiếu bền vững.

Vì vậy, quyết định triển khai dự án hệ thống thủy lợi hiện đại này được kỳ vọng là một biện pháp cứu cánh cho cả một khu vực rộng lớn của ĐBSCL.

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn - 4
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác thi công dự án tại địa điểm xây dựng cống Cái Lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp chỉ rõ tính phức tạp của dự án khi thi công ở khu vực chịu tác động của 2 chế độ thủy triều biển Đông, biển Tây, rất thất thường, với yêu cầu công trình hoàn thành phải giữ ổn định hệ sinh thái đặc trưng của vùng nước ngọt, mặn, lợ luân phiên cũng như đảm bảo sinh kế cho người dân, không làm thay đổi hiện trạng hệ sinh thái vùng.

Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh, đây là dự án có quy mô khẩu diện cống lớn nhất Việt Nam hiện nay (trung bình 40m), sẽ tác động tích cực tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân cả khu vực.

Thay mặt liên danh nhà thầu thi công cống Cái Lớn – Cái Bé, Chủ tịch HĐQT công ty Trung Nam 18 E&C Bùi Mạnh Hùng khái quát, dự án thủy lợi 3.300 tỷ đồng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư có ý nghĩa to lớn với việc ổn định cuộc sống toàn bộ khu vực bán đảo Cà Mau.

Dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL cam kết về đích sớm trước hạn - 5
Bản đồ vùng dự án và khu vực thụ hưởng - toàn bộ bán đảo Cà Mau.

Đại diện nhà thầu chia sẻ, doanh nghiệp là đơn vị từng đảm nhận xây dựng những công trình lớn khắp nước, thi công các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, tiêu biểu như dự án cống chống ngập TPHCM, thủy điện Lai Châu, cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, đường vành đai II Hà Nội… Với kinh nghiệm thực hiện những công trình lớn, ngay từ những ngày đầu triểnkhai công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, nhà thầu đã huy động tối đa các thiết bị, phương tiện, thực hiện cam kết tiến độ dự án.

Đại diện nhà thầu cam kết sẽ làm vượt tiến độ đề ra, ít nhất là 3 tháng so với kế hoạch được phê duyệt.

Chưa hài lòng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp yêu cầu các đơn vị chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung sức lực cao nhất để hoàn thành dự án đúng thời gian cam kết. Thậm chí, ông Hiệp mong muốn, gói thầu làm cống Cái Lớn phải về đích sớm 5 tháng để toàn bộ dự án hoàn thành được trong vòng 20 tháng, tạo điều kiện cho người dân sớm được hưởng lợi từ dự án.

Thái Anh - Hải Hành