Thừa Thiên - Huế:
Dự án thủy lợi dang dở “mong manh” trước mùa bão
(Dân trí) - Tây Nam Hương Trà - Dự án thủy lợi lớn thứ nhì tỉnh TT-Huế với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, đang có nhiều "vấn đề" trong thi công: sai sót kỹ thuật, chậm tiến độ, không an toàn công trình.
Nhiều “vấn đề” tại dự án thủy lợi trăm tỷ
Với nhiệm vụ chính là đảm bảo tưới tiêu cho gần 300ha đất nông nghiệp của các xã vùng Tây Nam huyện Hương Trà, dự án đang được triển khai thi công với nhiều hạng mục như công trình hồ chứa nước Khe Ngang, công trình dẫn nước tưới tiêu qua các xã...
Qua thực địa của chúng tôi, tại Hói Bảy Xã - công trình dẫn nước tưới tiêu đi qua 7 xã của huyện Hương Trà, hai bên bờ hói được lát bằng các miếng bê tông nhỏ M150 từ dưới chân hói lên với chiều dài khoảng 1,2m, phần trên để trống, phần dưới nước có hàng cọc tre đóng sâu vào bùn để giữ bêtông. Các tấm đan được lát sát vào nhau và hoàn toàn không có thép gắn lại để làm móc nối giữ vững khi chịu tác động của nước lũ.
Tuy chưa mưa nhưng một số đoạn đã bắt đầu có tình trạng lún sụt bê tông hay hở “hàm ếch” làm lộ những khoảng hở mất an toàn cho bờ hói. Tại một số điểm qua thôn An Lưu (xã Hương An) dù mới nạo vét xong, tuy chưa lát mái nhưng đã có sạt lở tại hai điểm dài 25m và 50m.
Ông Hà Văn Trường, người dân ở thôn Phụ Ổ (xã Hương Chữ) cho biết: "Đây là khu vực mà năm nào cũng có lụt. Lũ lên tràn hết qua đường phía trên hói. Theo tôi thấy, các đoạn lát phía dưới rất dễ bị nước lũ phá tan. Chưa kể khi không lũ nhưng mưa to, nước từ trên đường tràn xuống bờ hói tạo áp lực sẽ nhiều khả năng xô đẩy sập những tấm bê tông lát không được móc nối".
Đáng ngại nhất ở tại thân đập hồ chứa nước quan trọng - hồ Khe Ngang - đã có từ 5 đến 7 vết nứt, sụt lún. Khi công nhân thi công thân đập đến hơn nửa thời gian đã phát hiện ra hiện tượng này nên chủ xây dựng đã tạm thời dừng công trình lại để kiểm tra.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khi được áp giá đền bù đất và tài sản trên đất cũng bị dự án trả tiền chậm trễ và chưa đầy đủ do hội đồng đền bù còn vướng nhiều thủ tục.
Vào cuối tháng 6/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh TT-Huế cũng đã ra công văn nhắc nhở ban quản lý dự án và các bên liên quan phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để tránh làm cắt giảm nguồn vốn dự án. Nếu bên nào làm chậm trễ sẽ phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Chậm tiến độ không phải do thiếu tiền
Theo ông Võ Quang Vinh, Giám đốc Ban đầu tư xây dựng NN&PTNT (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế), Trưởng ban quản lý Dự án Tây Nam Hương Trà: “Vấn đề đền bù chậm là do hội đồng đền bù chỉ có 3 người, trong đó 1 người thuộc phòng TN&MT huyện Hương Trà - địa phương có dự án - và 2 người thuộc Ban của chúng tôi. Vì khối lượng công việc quá nhiều mà người làm thì ít nên dù đã cố hết sức vẫn làm không kịp.
Cụ thể, giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng rất chậm vì kiểm kê áp giá và thẩm định chậm từ phía phòng TN&MT huyện Hương Trà. Chúng tôi dù có sẵn tiền để trả hết cho dân nhưng đến nay vẫn chưa thể trả vì chưa thống kê hết diện tích các hộ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hưng Long, trưởng phòng TN&MT huyện Hương Trà thì “Do lúc dự án về tư vấn không phối hợp với địa phương chúng tôi mà tự làm. Tiếp đến là hồ sơ kỹ thuật từ phía dự án chuyển chậm cho chúng tôi nên đã xảy ra việc chậm trễ chung”.
Do trễ nên dự án đã “linh động” vận động dân giao đất cho dự án làm trước (trước đó đã đền bù gần hết tiền hoa màu cho dân). Tiền đền bù sẽ được trả cho dân sau, trong khoảng thời gian cuối dự án từ tháng 8-12/2011.
Tạm dừng thi công hồ chứa nước do nứt, sụt lún thân đập
Về những tiêu chuẩn thi công hói Bảy Xã, ông Vinh khẳng định tất cả đã làm theo đúng kỹ thuật bên nước ngoài chuyển giao mà cụ thể là của tổ chức ADB - đơn vị có vốn đối ứng trong dự án với hơn 200 tỷ đồng.
Ông Vinh cho biết chỉ gặp những khó khăn nhỏ về thời tiết, công ty thi công. Ví dụ như đáng lẽ lát bêtông phải trúng vào lúc thời gian nghỉ giữa 2 vụ lúa, là lúc có thể tháo nước hết ra khỏi hói để dễ làm. Tuy nhiên vì năm nay lạnh bất thường làm chết lúa nên dân tăng vụ, không có quãng nghỉ. Vì vậy, công nhân phải mất công sức làm việc dưới nước lâu.
Rồi có đơn vị thi công đóng cọc tre dưới nước giữ bê tông nhưng làm gian dối khi cọc không đủ tiêu chuẩn (dài 1,2m so với chuẩn 1,5m) làm ban quản lý phải mất thời gian cho nhổ lại và đóng cọc chuẩn. Hay đóng cọc không theo hình thức thủ công là dùng sức cắm xuống cho chắc mà dùng máy thụt lỗ xong cắm tre vào làm cho tre lung lay không giữ được các tấm bê tông lát ven bờ hói...
Xếp bê tông vào thân hói rất đơn giản: phủ một lớp giấy nylon, xếp khối bê tông lên và đứng nhún cho chắc; không có các mối kết nối giữa các tấm bê tông
Về việc có những đường nứt, lún tại thân đập hồ chứa nước Khe Ngang (hồ chứa lớn và quan trọng dự án để điều tiết nước trong mùa khô và giữ nước trong mùa lũ) đang gây nguy hiểm cho công trình, ông Vinh cho biết: “Hiện tượng này đã xảy ra xảy ra trong quá trình thi công tại thân đập khi có chỗ nứt, có chỗ sụt xuống. Đây là một hiện tường thường xuyên xảy ra khi thi công đập chứ không có gì. Các đơn vị tư vấn và các nhà khảo sát đã vào Huế tìm nguyên nhân. Trong khoảng 1 tháng tới chúng tôi sẽ có kết luận cuối cùng. Từ đó sẽ đề xuất giải pháp xử lý ổn thỏa để bảo đảm tiến độ”.
Ông Vinh cũng “khoe” thêm là nhờ năng lực của ban quản lý nên phía ADB đã cho thêm dự án thi công kênh nội đồng chiều dài 30km với 16 tỷ đồng, dự án hoàn thiện phần thủy lợi nội đồng cho các hợp tác xã với gần 8 tỷ đồng... Cuối buổi làm việc, ông Vinh khẳng định dự án sẽ hoàn thành đúng thời hạn (31/12/2011), các phần chính sẽ cơ bản xong trước mùa mưa bão để tỉnh nhà và người dân yên tâm.
Đại Dương