1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án "Thành phố thông minh" ở Hà Nội được phê duyệt tác động môi trường

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án "Thành phố thông minh" ở huyện Đông Anh, Hà Nội rộng 271,45ha, có tòa tháp 108 tầng, chính thức được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Ngày 6/3, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ này vừa ký quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án "Thành phố thông minh", tại xã Vĩnh Ngọc, xã Hải Bối và xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Chủ dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (trụ sở tại số 198 đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo thông tin từ chủ đầu tư, Thành phố thông minh Bắc Hà Nội có tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD, quy mô gần 300 ha chia làm 5 giai đoạn. Với 108 tầng, dự kiến tòa tháp này sẽ cao nhất tại Đông Nam Á với khoảng 7.000 căn hộ sẽ được xây dựng.

Theo quyết định trên, dự án sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình nhà ở, trường học, văn phòng, thương mại, dịch vụ, công cộng trên diện tích 271,45ha, quy mô dân số 25.741 người (không bao gồm 100 người của khu giãn dân Hải Bối)

Trong đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại các công trình nhà ở (thấp tầng, cao tầng, hỗn hợp) trường học: Giai đoạn 1 xây dựng 60 căn nhà ở liền kề, 247 căn biệt thự, một chung cư, 9 tòa nhà hỗn hợp, 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 3 trường mầm non.

Giai đoạn 2 xây dựng 209 căn biệt thự và một trường mầm non. Giai đoạn 3 xây dựng 4 tòa nhà hỗn hợp, một trường mầm non và một trường quốc tế (liên cấp).

Giai đoạn 4, chủ đầu tư xây dựng 7 tòa nhà hỗn hợp và một trường THCS. Giai đoạn 5 sẽ xây dựng Trung tâm tài chính, thương mại, nhà ở hỗn hợp quy mô 108 tầng.

Dự án Thành phố thông minh ở Hà Nội được phê duyệt tác động môi trường - 1

Tháp trung tâm tài chính cao 108 tầng nằm trong tổng thể dự án thành phố thông minh phía bắc sông Hồng (Ảnh: BRG).

"Phá dỡ toàn bộ diện tích các công trình hiện hữu thuộc địa phận xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc trên tổng diện tích khoảng 41.731m2 gồm: UBND xã Vĩnh Ngọc; trường Tiểu học Vĩnh Ngọc; trường mẫu giáo nhà trẻ Phương Trạch; Nhà văn hóa thôn Phương Trạch; Công ty khí công nghiệp và oxy y tế Thắng Lợi; đất không có nguồn gốc ở và một phần đất ở làng xóm tại xã Hải Bối", quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Thông tin các yếu tố nhạy cảm về môi trường, Bộ này cho biết, dự án yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 2 vụ và có yêu cầu di dân, tái định cư.  

Hoạt động dọn dẹp mặt bằng, san nền, thi công các hạng mục công trình và vận chuyển, tập kết nguyên vật liệu, phế thải,… sẽ phát sinh tiếng ồn, độ rung, bụi, chất thải nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đời sống kinh tế, xã hội của khu giãn dân thôn Hải Bối, chất lượng nước hồ Phương Trạch…

Dự án Thành phố thông minh ở Hà Nội được phê duyệt tác động môi trường - 2

Trụ sở UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Ảnh: Xây dựng).

Quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, các công trình không thuộc trách nhiệm quản lý vận hành của chủ dự án bao gồm: Các công trình hạ tầng kỹ thuật bàn giao cho Nhà nước quản lý (hệ thống đường giao thông, hệ thống cây xanh, hồ Phương Trạch); các công trình giữ nguyên hiện trạng (UBND xã Hải Bối, Trạm Y tế xã Hải Bối, chùa Tỉnh Âm, chùa Long Hưng, kênh dẫn trạm bơm Phương Trạch, Nghĩa trang Liệt sỹ Vĩnh Ngọc, Nghĩa trang liệt sỹ Hải Bối) và các công trình được hoàn trả thực hiện theo dự án riêng (UBND xã Vĩnh Ngọc, trường Tiểu học xã Vĩnh Ngọc, Nhà văn hóa thôn Phương Trạch).

Hội đồng thẩm định ĐTM gồm 12 người

Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, Hội đồng thẩm định ĐTM của Dự án "Thành phố Thông Minh" gồm 12 người.

Trong đó, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm chủ tịch hội đồng.

Ủy viên phản biện gồm GS.TS Trần Đức Hạ (Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam) và TS Phạm Khang (Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam).

Các ủy viên khác đến từ Trường Đại học Xây dựng, Bộ Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…

Hội đồng này chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và gửi kết quả cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm