Dự án lấy 68ha Vườn quốc gia Tam Đảo: Chủ đầu tư cam kết gì?
(Dân trí) - Nhà đầu tư khẳng định chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng; không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 (Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo để tham vấn ý kiến cộng đồng trong 15 ngày.
ĐTM cho biết, khu vực thực hiện dự án có diện tích khoảng 68ha thuộc Tiểu khu 102, 105A tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Về pháp lý, đầu năm 2022, nhà đầu tư và Vườn quốc gia Tam Đảo (chủ rừng) đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với Luật Lâm nghiệp.
Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và có yếu tố nhạy cảm về môi trường nên phải thực hiện ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần Nam Tam Đảo (ông Lê Xuân Trường - Tổng giám đốc, là người đại diện) đã kết hợp cùng Công ty cổ phần dịch vụ và phát triển Trường Thành (đơn vị tư vấn, đại diện là ông Nguyễn Trần Mạnh - Giám đốc) xây dựng báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.
Chủ đầu tư khẳng định, dự án chỉ thực hiện thuê môi trường rừng, không thực hiện thuê đất, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Trong diện tích 68ha, chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ ngơi, Bulgalow (nhà gỗ), nhà hàng - dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), khu quảng trường - sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật - vườn Nhật; khu thể thao- dã ngoại, cắm trại, công viên nước)
Tại báo cáo ĐTM, Công ty Nam Tam Đảo khẳng định chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng và đất khác.
Khu vực dự kiến xây dựng các công trình chủ yếu do người dân đã canh tác trước đó, gồm cây thông (đường kính từ 20-40cm), keo, bạch đàn, hải đường, cây hoa ban. Đất cây xanh chủ yếu cây cỏ và cây bụi.
Báo cáo ĐTM thông tin, dự án không tiếp giáp với khu dân cư; phía Tây giáp với Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo của cùng nhà đầu tư (Công ty Nam Tam Đảo). Giao thông ở đây chỉ có một đường duy nhất, hiện tại đã được hoàn thiện đổ bê tông từ đường tỉnh DT301 (AV-05) vào dự án.
Dự án này cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) 30km, cách TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) 10km và cách hồ Đại Lải 4km.
Trong báo cáo ĐTM gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Nam Tam Đảo cho rằng dự án thuộc khu dịch vụ, hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo. Quanh khu vực không có khu bảo tồn thiên nhiên, các giá trị sinh thái quan trọng được quy định bảo tồn bởi pháp luật Việt Nam hay các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Chiều cao xây dựng công trình sẽ phụ thuộc các chức năng được quy hoạch, nhưng không vượt quá 12m theo quy định. Cụ thể, khu dừng chân nghỉ ngơi 2 tầng, nhà hàng - dịch vụ 2 tầng, khu du lịch - sinh hoạt cộng đồng 2 tầng; khu quảng trường, sân lễ hội một tầng…
Khi triển khai dự án trong vùng rừng đặc dụng, nhà đầu tư sẽ phối hợp với Vườn quốc gia Tam Đảo tổ chức lựa chọn loại cây phù hợp để trồng bổ sung và xen cấy tôn tạo lại các vùng rừng thưa, rừng phục hồi để tăng mật độ che phủ và phục hồi hệ sinh thái.
Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm soát chặt đất rừng
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa giao Sở NN&PTNT triển khai các giải pháp phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng đầu nguồn trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các công trình trên đất rừng trái quy định.
Xử lý dứt điểm triệt để các vấn đề tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; liên quan đến Công ty lâm nghiệp, Vườn quốc gia Tam Đảo và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc bộ, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc đối với diện tích đất rừng bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm.
Đối với các chủ rừng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định và rà soát lại toàn bộ hợp đồng thuê dịch vụ môi trường rừng, hợp đồng giao khoán rừng,…
"Chủ rừng phải chịu trách nhiệm toàn diện với những vụ cháy rừng, phá rừng, mất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc phạm vi địa bàn quản lý", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.