1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án Dung Quất - "cơn bão" trong Quốc hội

Hôm qua, 8/6, những bức xúc của đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thực sự bùng nổ thành một "cơn bão". Theo phân tích của các đại biểu, dự án này hội tụ nhiều khuyết điểm “chết người” không dễ gì tháo gỡ.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho thấy, ngày 5/12/1997, Chính phủ đã chỉ đạo chủ đầu tư là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam triển khai Xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại huyện Bình Châu (Quảng Ngãi). Từ tháng 10/1997 đến 8/1998, dự án được triển khai theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Ngày 25/8/1998, dự án chuyển sang hình thức liên doanh, nhưng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, từ tháng 3/2003 đến nay, dự án lại tiếp tục triển khai theo hình thức Việt Nam tự đầu tư.

 

Hiện tại, dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng nhà máy và các công trình phụ trợ có liên quan của nhà máy lọc dầu; thuê công ty tư vấn nước ngoài thiết kế kỹ thuật tổng thể; ký kết các hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ và thiết kế cơ sở cho 7 phân xưởng công nghệ chính của nhà máy và các nhà cấp bản quyền công nghệ...

 

Dự kiến đến cuối tháng 12/2008 dự án mới hoàn thành và đi vào sản xuất vào năm 2009. Nếu theo đúng tiến độ này, dự án bị chậm 7 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Do nhiều nguyên nhân, tổng mức đầu tư của dự án có thể lên đến hơn 2,5 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 1,5 tỷ USD.

 

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chỉ rõ nguyên nhân chậm trễ tiến độ của dự án này.

 

Đó là khi trình Quốc hội thông qua, dự án chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản còn sơ sài, thẩm định chưa kỹ, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính. Trách nhiệm của chủ đầu tư (Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) là tổ chức thực hiện dự án không tốt: thiếu chủ động, không đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ Chính phủ. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của Chính phủ cũng có thời gian thiếu tập trung và trực tiếp, không quyết liệt yêu cầu các ngành hữu quan cũng như chủ đầu tư kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

Gần 30 đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến tại hội trường trong ngày hôm qua, đã phân tích rõ “những khuyết điểm chết người trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản” – theo cách nói của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang). Ông Trân chưa hài lòng với sự “công nhận trách nhiệm chung chung” của chủ đầu tư và Chính phủ mà yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng công đoạn. “Khi tham gia giám sát dự án, tôi đã “ngửi” thấy mùi tiêu cực. Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc và làm rõ. Đau, nhưng mổ xẻ sai lầm này là việc cần thiết”, ông Trân nói.

 

Một số đại biểu khác cũng có cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng việc lựa chọn địa điểm Dung Quất không phải là tối ưu về mặt kinh tế, thậm chí đề xuất “xem xét lại có nên tiếp tục dự án ở địa điểm này hay không”. Quốc hội cũng có phần trách nhiệm khi đã thông qua một dự án chưa đủ căn cứ rõ ràng về tính hiệu quả, cũng như đã không quan tâm đúng mức đến việc theo dõi sát sao và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho dự án ngay từ khi mới nảy sinh.

 

Khó khăn – tháo gỡ cách nào?

 

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) có cách nhìn nhận khác: “Vấn đề không phải là ở địa điểm, mà với cung cách làm ăn ấy thì làm ở đâu cũng không thể hoàn thành dự án một cách tốt đẹp”. Theo đại biểu Chính, hiệu quả của dự án phải được nhìn nhận rộng hơn, cân nhắc cả cục diện kinh tế - chính trị - xã hội. “Xét thấu đáo những điều đó, tôi cho rằng bây giờ chọn lại địa điểm thì mất nhiều hơn được”.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng khẳng định, thống nhất với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lựa chọn địa điểm đầu tư tại Dung Quất là vì sự phát triển chung của cả đất nước chứ không vì sự phát triển của vùng này hay vùng kia.

 

Với tư cách Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, ông Phạm Quang Dự (đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã làm rõ thêm một số vấn đề. Ông Dự công nhận trách nhiệm chính của chủ đầu tư trong việc dự án không được thực hiện đúng tiến độ, song cho rằng tình hình thu xếp tài chính cho dự án trong thời gian tới vẫn khả quan. Còn về hiệu quả kinh tế của dự án, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với loại dự án lọc dầu tương tự thì tỷ lệ thu hồi vốn nội tại 6,7% là chấp nhận được.

 

Trả hết nợ sau 11 năm, hoàn vốn sau 12 năm

 

Trong phần trình bày của mình, ngoài một số vấn đề về công nghiệp chế biến; về giá điện và đầu tư cho ngành điện...; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cũng đã dành phần lớn thời gian để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ông cho biết, theo tính toán hiện nay, dự án sẽ trả hết nợ sau 11 năm và hoàn vốn sau 12 năm kể từ khi hoạt động.

 

Theo Bộ trưởng, tuy khó có thể nói chắc 100% rằng dự án sẽ đi vào hoạt động đúng năm 2009, nhưng trong những hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký kết với nhà thầu đã có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm rõ ràng về thời hạn đưa công trình vào sử dụng.

 

Vẫn theo ông Hoàng Trung Hải, trong số những thiệt hại của việc dự án bị chậm trễ 7 năm, đáng kể nhất là chúng ta đã mất đi những lợi ích lẽ ra có thể có như đảm bảo an ninh quốc gia về năng lượng, tận dụng được lợi thế về mặt bằng giá dầu thế giới cũng như cơ hội phát triển kinh tế xã hội của khu vực có dự án...

 

Sáng nay 9/6, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự án Dung Quất, tình hình cung ứng điện... 

 

Theo Sài gòn giải phóng

Dòng sự kiện: Quốc Hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm