1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc hội "bắt mạch" căn bệnh của ngành y

"Hiện nay, bác sĩ chạy theo chuyên khoa lâm sàng dễ kiếm tiền, tập trung ở các bệnh viện lớn để có nguồn thu làm thêm. Các bệnh viện thì lạm dụng xét nghiệm và chạy theo kỹ thuật hiện đại để nâng thu nhập cho nhân viên", báo cáo giám sát của Quốc hội, sáng nay, chỉ rõ tiêu cực của ngành y tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, sự xuống cấp y đức hiện nay một phần do tình trạng quá tải ở bệnh viên Trung ương và tuyến tỉnh. "Ở bệnh viện K (Hà Nội), bệnh viện Ung bướu (TP HCM), các bệnh viện nhi trung ương, các bệnh viện, khoa ngoại chúng ta thấy sự quá tải không thể chấp nhận. Sự quá tải tất yếu sẽ phát sinh tiêu cực trong khám chữa bệnh, góp phần gây ra sự xuống cấp về y đức của một số cán bộ y tế", bà Thu nói.

 

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sở dĩ có tình trạng trên là do quá trình xã hội hóa chậm, chính sách đầu tư tập trung của nhà nước dành cho một số có sở tuyến trên đã làm bệnh nhân không có sự lựa chọn nào khác. Ví dụ, đã bị bệnh nặng thì ngoài bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy người bệnh không biết đi đâu. Lỡ mắc ung thư, bệnh nhân đành phải đến viện K, bệnh viên ung bướu. Trong khi đó, mạng lưới bệnh viện hiện nay vẫn bố trí theo cấp hành chính, có những tỉnh bệnh viện thị xã kề ngay bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế huyện gần huyện lỵ hơn gần dân.

 

Một bất cập nữa của ngành y tế là tình trạng thừa bác sĩ mới tốt nghiệp ở khu vực đô thị, thiếu cán bộ y tế ở miền núi, vùng sâu. Bà Thu lấy ví dụ, có tỉnh chỉ 85 bác sĩ cho cả lĩnh vực phòng, chữa bệnh và quản lý. làm sao có thể chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu dân.

 

"Phải thẳng thắn thừa nhận rằng nhà nước chưa quan tâm đãi ngộ đối với cán bộ y tế tương xứng với thời gian và công sức của họ. Hiện nay, lương của cán bộ y tế được cấp từ nhiều nguồn, mỗi chỗ một ít, điều đó khiến người ta có cảm giác cán bộ y tế là những người được hưởng trợ cấp khó khăn. Năm 2005, nhưng định mức biên chế cán bộ y tế tại bệnh viên vẫn áp dụng theo quyết định 07 từ năm 1975", bà Thu nói.

 

Hiện nay, nếu tính tổng chi phí y tế, nhà nước mới chỉ đảm bảo khoảng 20%, còn 80% chi phí do người dân tự chi trả. Đây cũng là lý do mà các tổ chức quốc tế một mặt ca ngợi VN đã đạt chỉ số sức khỏe cao hơn so với điều kiện kinh tế nhưng mặt khác lại cảnh báo VN là nước có tình trạng mất công bằng nhất trong chăm sóc sức khỏe (xếp thứ 187/191 về tình trạng công bằng). Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội đây là điều băn khoăn nhất của dư luận xã hội, cử tri.

 

Giá tân dược tiếp tục là chủ đề nóng trong báo cáo giám sát. Bà Thu cho rằng căn bệnh này là do thiếu kinh nghiệm trong quản lý dược, việc cung ứng thuốc trong các bệnh viện đang bị thả lỏng. Hiện nay, có tỉnh quy định đấu thầu thuốc tập trung theo tỉnh, có nơi chỉ định thầu, có nơi để bệnh viện tự đấu thầu. Do vậy giá thuốc giữa các bệnh viện không thống nhất và thường cao hơn giá bên ngoài 20-30%, có loại cao gấp nhiều lần.

 

"Quốc hội vừa thông qua Luật dược tạo hành lang pháp lý, song các biện pháp bình ổn giá thuốc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nếu không nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cụ thể về quản ý giá thuốc cung ứng thuốc cho bệnh viện thì vấn đề giá thuốc sẽ còn là nỗi bức xúc của cử tri", bà Thu nói.

 

Sau khi bắt mạch căn bệnh của ngành y tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã "kê đơn", yêu cầu Chính phủ sửa đổi các quy định không còn phù hợp như: tổ chức mạng lưới bệnh viện, thu một phần viện phí. Chính phủ tập trung rà soát các công trình xây dựng bệnh viện dở dang, tập trung kinh phí giải quyết trong năm 2006. Về vấn đề tự chủ tài chính, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá chủ trương này, không nên biến các lương y thành những kế toán của các cơ sở khám chữa bệnh.

 

Chiều nay, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến và Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải.

 

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: Quốc Hội